Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2011

HOÀI ANH : GIỮ TÂM THANH BẠCH GIỮA MIỀN PHÙ HOA (ĐỌC TẬP THƠ GIỮA CỎ CỦA TRẦN NGỌC TUẤN )






GIỮ TÂM THANH BẠCH GIỮA MIỀN PHÙ HOA

( Đọc tập thơ GIỮA CỎ của Trần Ngọc Tuấn )

HOÀI ANH

Có những bức tranh xóa nhòa đường nét để chỉ còn hòa sắc, một chút trắng, hồng điểm trên một nền vàng dào dạt.
Có những bản nhạc xóa nhòa cung bậc để chỉ còn hòa âm, tiếng gió lang thang trên đồng cỏ quyện với tiếng suối róc rách triền miên.
Có những bài thơ phiêu hốt, xóa nhòa biên giới không gian thời gian, nhà thơ ra đi với một tấm lòng trinh nguyên, mong tìm đến đích uyên nguyên, dọc đường tung tẩy rong chơi trong cõi thiên nhiên, cõi nhân tình, cõi suy tưởng, vốc từng nắm chữ ném vào cuộc chơi. Câu thơ muốn có cái thâm u của một làn hương, thẳng mạnh như một mũi tên, ngắn đọng như một thông điệp, màu nhiệm như một lời khải thị, để từ trong dồn nén tạo thành một lực, chứa đựng trong nó sức mạnh và minh trí của buổi nguyên khai.
Tôi biết Trần Ngọc Tuấn có ý đi vào con đường thơ phiêu bồng, con đường vắng vẻ đến rợn ngợp, của những lòng nhẹ không đi tìm cái bất chợt để mà cảm, của những hồn mênh mang đi tìm cái nhỏ yếu để mà yêu : Ta sa mạc trắng, em hồng nét hoa, mong vớt một mùi hương hoa mơ thơm suốt chiều hư tưởng, một chút an ủi từ nhánh cỏ mốt mai tình có xa rời, bới tìm trong cỏ một thời, thưa em !, một chút ngơ ngẩn trước kỳ công Tạo hóa vẹt gót giày nẻo đường cát gió, trước Hạ Long hồn xanh dậy ngu ngơ, một chút chạnh lòng trước suối Giải oan bao người đến bấy trái ngang, tôi xin làm suối giải oan cho mình. Trân trọng từng cảm giác trước không gian Gió ơi gió… nhẹ, kẻo làm trăng rơi, đồng thời cảm xúc trước sự biến đổi của thời gian dòng sông hòa nhịp biển khơi, nên lời khoảnh khắc là lời trăm năm.
Thèm cái phong thái của một thiền nhân, ai tất bật với thăng trầm xuôi ngược, Người ung dung dõi mắt phía chân trời, nhưng vẫn nặng lòng đời em phục sinh tiếng khóc, anh hoàn hồn trước mặt Chúa không ngôi. Có những phút nhớ về Mẹ dáng còng của mẹ, dấu hỏi đời con, cát bụi dặm trường, những phút nghĩ về đứa con đối diện trang thơ, tạ lỗi với con mình, chia sẻ tình cảm với bạn bè chắt chiu được ít tiếng cười, san san sẻ sẻ cho người đồng tâm.
Tôi thích những câu thơ dung dị thích thảng vừa phảng phất ca dao vừa mang chất “ Tiêu dao du “ của Trang Tử trong Nam hoa kinh :
Rỡn chơi một kiếp đi rong
Tóe tung bọt nước giữa dòng thuyền trôi
Xin em rỡn một lần thôi
Mai về trên ấy đôi môi khỏi buồn
.
Nhưng khác với Trang Tử mộng thấy mình hóa bướm, Trần Ngọc Tuấn viết :
Có những giấc mơ hóa bướm
Tôi chỉ mong là cỏ dưới chân đèo

Là ngọn cỏ bình thường trên mặt đất cho những giấc mơ có cánh đậu vào. Không gì yếu đuối bằng ngọn cỏ, nhưng cũng không gì kiên cường bằng ngọn cỏ. Tôi nhớ đến câu thơ Walt Whitman: “Tôi nguyện tái sinh trong bùn đất và ngọn cỏ quê hương. Bạn muốn tìm tôi, hãy tìm dưới đế giày của bạn”.
Thái độ bám chắc vào lòng đất, lòng đời ấy là một phép vệ sinh tinh thần, giữ cho tâm thanh bạch giữa miền phù hoa, cái đôn hậu ấy cũng giữ cho tâm hồn khỏi bị cuốn theo cơn lốc của thói khinh bạc, phiêu bồng mà không phiêu lưu, luyện lòng mình như đất ven bờ sông quê, qua lửa lò nung, kết tinh thành gốm ngọc ngời chảy loáng men sông.
Tôi nhớ câu thơ Lưu Trọng Lư: “Ta thương cỏ, ngùi thương phận cỏ, Nguyện ngày mai làm gió bên đường “, ở đây Trần Ngọc Tuấn lại có một thoáng se sắt trước một đêm văn nghệ tan vì bom đạn chiến tranh :
Câu quan họ liền anh liền chị…
Vọng cổ sáu câu chưa kịp xuống xề…
Sàn diễn mưa bom. Tình ca pháo dập
Giờ cỏ xanh rờn, lời xưa gió se
.
Những câu thơ trong cái ung dung thanh thản lại khiến cho người ta se lòng cũng giống như vậy chăng ?


Sài Gòn, 1996

HOÀI ANH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét