Thứ Hai, 29 tháng 8, 2011

TRẦN NGỌC TUẤN : TRẦN NINH HỒ - KIẾP NGƯỜI THẤP THOÁNG TRĂM NĂM






TRẦN NINH HỒ - KIẾP NGƯỜI THẤP THOÁNG TRĂM NĂM

Thi sĩ xuất hiện như một điềm lành. Đọc thông điệp thơ để mà buồn vui, để mà ngẫm ngợi : Một ngày thu cho ánh vàng thức dậy – ôi ánh vàng thức dậy một đời cây! . Một ngày thu, một đời cây hay một kiếp người ! CHÂN – THIỆN – MỸ là khát vọng thường trực khi thi sĩ hành hương về ngôi đền thơ linh thiêng. Trong cuộc hành hương ấy đôi khi thi sĩ chạm tới cõi vật chất để nhận ra : hình như là tiếng sáo – sinh ra trước mũi tên – hình như là ngọn giáo – sinh ra sau cây đàn; chạm tới cõi tâm linh để sững sờ: thời gian trôi kiếp lục bình – từ hồng hoang chẳng biết mình về đâu. Về đâu? Về với cõi trần thế đếm đong còn mất hay về với cõi thơ như hồng ngọc sâu trong đất? Đi đâu? Về đâu? Đi từ cuộc đời này và nơi đến cũng cuộc đời này để đau thương và hạnh phúc, để chợt nhớ một thời thơ – chưa kịp viết đã cũ – chợt nhớ những chồng vợ - không một ngày tình nhân…



Trên con đường dấn thân ấy đôi khi bói nhầm quả - giờ nhiều tinh dầu lạ - có cất từ hoa đâu! . Nhận chân thế là đủ giữa cuộc đời rất đẹp nhưng cũng rất đỗi gập ghềnh này để rồi thao thức: bôi và xóa mãi rồi ta đâu biết – giấy như mây trắng lắm phía chân trời. Cõi nhân sinh này sao mà khốc liệt đến vậy: chừng khiếp sợ trước phụng thờ quá cỡ - những đóa hồng nhợt nhạt giữa trầm hương; nhưng may mắn quá còn một Vầng Thúy đó – một vầng trăng hóa đá đợi ta về. Vầng Thúy, Núi Thúy hay Núi Thơ cũng là một thôi mà! Về núi để mà chi? Để đề thơ trên đá hay để hát nghêu ngao: buồn như lau cũng một thuở làm cờ

TRẦN NGỌC TUẤN

*Ghi chú : những chữ in nghiêng được trích từ thơ của nhà thơ Trần Ninh Hồ

Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2011

PHẠM QUANG TRUNG : ĐỌC THƠ TRẦN NGỌC TUẤN






ĐỌC THƠ TRẦN NGỌC TUẤN

PHẠM QUANG TRUNG

Trần Ngọc Tuấn là một cử nhân kinh tế. Tưởng anh suốt ngày bị những con số ám ảnh, những tính toán dẫn dắt, chả thể nghĩ và làm được điều gì khác. Hóa ra không phải thế. Anh đã vượt qua bao ngáng trở, thách thức trong tư duy, trong phận sự để trở thành một nhà thơ – nhà thơ đúng nghĩa theo thiên hướng, theo số phận. Hành trang thơ anh mang theo cho đến nay kể cũng kha khá. Chưa tính những tập in chung, bốn tập thơ riêng ngay ngắn đã chào đời. Đó là Giác quan biển (1994), Giữa cỏ (1996), Chân chim hóa thạch (1998), Con mắt dã quỳ (2000). Cứ đều đặn hai năm một tập, sức viết cũng chẳng thua kém ai.
Anh khởi nghiệp ở Biên Hòa. Nhiều cây bút như Trương Nam Hương, Lương Định, Cao Xuân Sơn… cũng từng đi những bước đầu tiên trong sự nghiệp của mình ở xứ này, để rồi hòa nhập vào thi đàn một cách khá chững chạc đường hoàng. Rồi kẻ trước người sau, vì những nguyên do khác nhau, họ lần lượt rời dòng sông Đồng Nai ra đi, nhưng lòng họ thì tôi biết, luông đằm mình trong dòng sông thân thương ấy. Trụ lại đến giờ, về thơ, nổi lên là Đàm Chu Văn và Trần Ngọc Tuấn.
Những con chim trốn rét đã bay rồi
Để mùa đông ở lại

Dòng sông trôi
Trôi mãi
Biết đâu là mênh mông
Trong một bài thơ Đàm Chu Văn viết tặng Trần Ngọc Tuấn, tôi đọc được đoạn ấy. Đàm Chu Văn như tự nói với chính mình. Hướng tới bạn mà nói. Thế là tôi lần tìm đến thơ các anh để đọc, với mong mỏi tìm hiểu về một vùng thơ. Trước hết là thơ Trần Ngọc Tuấn.

1- CHO TÂM THANH BẠCH GIỮA MIỀN PHÙ HOA

Trần Ngọc Tuấn sống ở một trong những trung tâm công nghiệp lớn vào bậc nhất nước.Nhịp sống phố phường nhân lên bởi nhịp sống công nghiệp. Sôi động và năng động. Con người dễ bị cuốn theo dòng chảy của nó. Đôi khi ta không khỏi ngơ ngác trước sự đổi thay đến chóng mặt của đời thường:
Hỏi em – Em đã đi rồi
Hỏi nhà – Đổi chủ
Hỏi người – Người quên
Hỏi đường – Đường mới thay tên
Hỏi cây – Cây đứng lặng nhìn xa xôi
Câu kết của bài thơ thảng thốt đến rợn người: Hay tôi đã hóa ai rồi? Hoài nghi sự tồn tại của mình, còn gì bi thảm hơn thế? Bởi vậy, tôi có thể hiểu được nỗi cô đơn của một người nhạy cảm như anh:
Xòe năm ngón cô đơn
Che mái đầu phiền muộn
Năm ngón như sao trời
Soi hồn ta lốm đốm
Đừng có e ngại. Ý thức được nỗi cô đơn là sẽ biết cách để chế ngự được nó. Nhưng sao cứ thấy xót xa làm vậy! Bởi chế ngự được nỗi cô đơn mà không buông mình, mất mình giữa dòng đời trôi nổi mới là chỗ cần phải đến. Xem kìa, có người không chịu nổi, đã hóa điên: Có một gã điên / Ra sông uống nước / Phố phường thờ ơ / Thân quen ơ hờ / May còn dòng sông / Hiểu gã lơ mơ… Vâng, may còn dòng sông. Tôi có nhiều dịp hàn huyên cùng bạn văn ở Biên Hòa. Hoặc là về chiều, hoặc là về đêm.Và bao giờ cũng thế, ngay cạnh dòng sông ấy:
Bóng hoa một thoáng vờn chân
Sông bần thần chảy, nắng ngần ngừ tan.

Mỗi khi nhớ về các bạn ở Sông Phố, tôi lại ngâm nga bài Những buổi chiều bên sông Đồng Nai của Trần Ngọc Tuấn. Nhớ nhất là câu:
Người lơ ngơ giữa mây trời
Tôi cơn gió lạ không mời mà sang
.
Tôi nhận ra ngay dáng lơ ngơ đáng yêu của chính anh chứ đâu phải của người khác. Riêng cơn gió lạ thì không sai, đúng là anh rồi! Cũng rất đúng với những tâm hồn nghệ sĩ như anh. Tôi cứ bần thần tự hỏi, thành phố Biên Hòa sẽ ra sao nếu không có dòng sông êm đềm kia, và cả những cơn gió lạ này nữa – cơn gió thổi đến từ thơ ca, do chính thơ ca đem lại. Anh có lý để viết:
Ẩn mình trong cõi thiên nhiên
Lặng thầm gửi đóa trinh nguyên cho đời.
Người ta thường ưa thích những gì mình không có hay mình còn thiếu. Giữa đô thành náo nhiệt, cảnh trí thiên nhiên là cái thiếu nhất. Để tìm được sự bình lặng về tinh thần, ta phải tìm đến núi sông, trăng hoa, cây cỏ… Tôi biết vì lẽ gì mà Trần Ngọc Tuấn lại đặt tên tập thơ thứ 2 của mình là Giữa cỏ với lời đề từ:
Có những giấc mơ hóa bướm
Tôi chỉ mong là cỏ dưới chân đèo
.
Rồi ngay việc chọn tên cho tập thơ mới nhất, anh cũng đã tìm đến Con mắt dã quỳ, với tuyên ngôn thể hiện một xác tín không kém:
Biết thân hoa dại bên đình
Cũng xin vắt kiệt hồn mình mà thơm

Chớ cho là tầm thường, cái thân phận của cỏ dại, hoa dại. Cách đây vài tháng, tôi được hưởng một hạnh phúc bất ngờ khi đắm mình trong phòng trưng bày 110 bức ảnh nghệ thuật về hoa dại của nghệ sĩ nhiếp ảnh MPK. Ở thành phố tôi ở, chả ai lạ gì cái anh chàng suốt ngày lang thang khắp ngóc ngách của Đà Lạt. Anh đi săn lùng cái đẹp, những cái đẹp nhỏ nhoi, dễ bị bỏ qua trong con mắt của người đời. Với Trần Ngọc Tuấn, chắc chắn còn thêm những nguyên cớ khác. Nếu không sao anh lại có thể viết:
Lạy hừng đông tới đêm tàn
Có nghe tôi lạy giữa miền cỏ ru
Nguyên cớ ấy có lẽ nằm ở câu mở đầu:
Lạy em giũ sạch muộn phiền
Cho tâm thanh bạch giữa miền phù hoa
Tôi còn tìm thấy trong câu thơ khác ở bài thơ Nhớ thị thành:
Ai thiền định giữa phù hoa?
Ai đang đốn ngộ? Ai sa bụi lầm?
Tâm có trong sạch mới có thể tĩnh tâm mà cảm nhận được những cái mong manh vô thường dễ biến mất như ánh trăng này:
Trăng leo qua đỉnh Tháp Chàm
Gió ơi gió… nhẹ, kẻo làm trăng rơi!

Hay dễ bay như mưa bụi kia:
Mỏi gót về ngồi bên Thành Nội
Cụng ly cùng mưa bụi Hoàng Cung
Anh sung sướng đến đê mê khi qua đêm bên Suối Lồ Ồ, là bởi:
Bôn ba qua xứ muộn phiền
Mấy khi thỏa giấc giữa miển cỏ hoa

Quả đúng là xứ tiên giữa cõi trần. Phải là một người từng bị bụi hồng bao phủ như anh mới thấm thía được nỗi thanh thản nhường ấy.

2 – PHIÊU DU TÀI TỬ ĐA ĐOAN KHỐI TÌNH

Đây là câu thơ Trần Ngọc Tuấn viết về thi sĩ Tản Đà mà sao tôi nghe như anh đang biểu hiện chính con người mình. Nghĩ về anh, và cả về thơ anh, chừng như không thể nghĩ khác. Ngày bận rộn bao chuyện cơm áo đời thường, anh thức cùng đêm. Những câu thơ bừng sáng : Đêm / chữ thắp lửa / lóe trang / bập bùng. Tâm hồn anh như hoa quỳnh ngậm nắng để có thể bừng sương vào đêm vắng. Tìm đến thơ hay, cái hay của thứ thơ đích thực kia, anh biết chẳng dễ dàng gì. Nhất là giữa lúc này :
Chợ văn sớm nắng chiều mưa
Mua danh dơ dáng, dạ thưa dại hình

Chỉ những ai nguyện sống chết với nghề thì mới ngổn ngang trong lòng trước chợ trời văn chương, chữ nghĩa đến thế. Và tôi nghĩ là Trần Ngọc Tuấn đã tìm được câu trả lời xác đáng :
Thơ như điệu múa ẩn mình trong đá
Nghìn năm không xóa nổi nét tay run
Người ta hay nói tới khả năng lạ hóa của thi sĩ. Hóa lạ mọi thứ để tay run. Muốn được vậy, anh phải biết lắng nghe tiếng nói của lòng mình, khi được thật sự là mình.Trần Ngọc Tuấn Tự vấn một cách chân thực: Sông mải miết / Mơ giấc mơ biển cả / Khi là biển rồi / Sông có là sông?. Vận vào mình, anh viết tiếp: Tôi lênh đênh / Mơ ngày cập bến / Khi cập bến rồi / Tôi có là tôi? . Tìm được mình rồi, lại phải lo giữ mình nữa chứ. Nhưng trước hết và trên hết là nỗi lo sợ chính đáng này:
Ta chỉ sợ tâm hồn ta lịm tắt
Giọt mực buồn lăn lóc giữa trang thơ
Thế là, rất tự nhiên, Trần Ngọc Tuấn đi tìm sự giao cảm trong tình yêu :
Nợ người con mắt lá răm
Trái tim xin trả trăm năm ngục tù
Nhất là anh đi tìm sự sẻ chia trong tình bạn. Có lúc anh lớn tiếng tuyên bố :
Ta chỉ sợ bạn bè ta lạnh nhạt
Đôi mắt dửng dưng là bản án tử hình
Có lẽ vì cường điệu quá nên khó tin. Tựa như một lần anh có dịp Uống rượu ở Tây Nguyên. Khi đãi khách phép làng rượu cần sánh ché / Trinh nữ nai hoang mắt ướt ngực trần, anh không ngần ngại cao hứng bày tỏ : Xin đổi nửa đời một đêm gửi rể, và đã được (hay bị) Già làng khề khà : - Kẻ chợ khó tin. Kể ra cũng khó tin thật ! Trong văn chương cũng như trong cuộc đời, mọi thứ đều cần có chừng có mực. Kẻ thông minh bao giờ cũng nhạy cảm với giới hạn. Vượt quá độ, người ta dễ sinh nghi. Riêng câu thơ này thì không thể nghi ngờ :
Bao người đến, bấy trái ngang
Tôi xin làm suối giải oan cho mình
.
Một người đàn ông cao thượng. Riêng cho một người anh ta hiểu. Hoài nghi anh sao được ! Tội chết. Đặc biệt, tâm trạng được giãi bày trong bài Vẽ núi thì tôi chắc mọi người cũng sẽ tin như tôi:
Bạn đi gửi lại tiếng cười
Tôi ngồi vẽ núi lạnh mười ngón tay
Có người thích những câu thơ tài hoa của Trần Ngọc Tuấn như: Em như sông Hương lững lờ chi rứa / Tôi chôn chân thêm mố nhịp Tràng Tiền. Tôi thì thích những câu thơ rút ruột, trần trụi mà rung động này : Trắng đêm vàng mắt dã quỳ / Giọt sương hạt lệ nhòe đi mặt người. Anh viết về nỗi đau mất bạn. Mà người đó là ai ? Là Nguyễn Đức Thọ, một nhà văn mệnh yểu, nhưng tôi dám chắc văn sẽ thọ, vì lúc còn sống anh biết vì người khác, nên khi mất, người đời sẽ không quên anh.
Nghĩ về bạn văn, với Trần Ngọc Tuấn, là một dịp nghĩ về mình :
Bạn giờ dằng dặc trăng treo
Tôi còn thất bát gặt gieo vụ đời
Nhất là dịp tốt để nghĩ về đời văn của mình :
Bạn giờ xanh cỏ nghìn năm
Tôi còn lận đận kiếp tằm nhả tơ
Ý thơ không mới, nhưng ý nguyện thì đáng trọng. Bạn bè hoàn toàn có thể kỳ vọng vào anh…

Đà Lạt, 4-2003

PHẠM QUANG TRUNG

*Bài viết được đăng trong tác phẩm THỨC CÙNG TRANG VIẾT (PHẠM QUANG TRUNG) NXB VĂN HỌC, 2003.


Thứ Năm, 25 tháng 8, 2011

NGÔ THẾ OANH : GIỚI THIỆU THƠ TRẦN NGỌC TUẤN






GIỚI THIỆU THƠ TRẦN NGỌC TUẤN

NGÔ THẾ OANH

Khác với nhiều người làm thơ cùng lớp tuổi với anh thường thiên về lý, tìm kiếm trong đề tài cũng như ngôn ngữ những gì vẫn được gọi là cách tân, hiện đại, thơ Trần Ngọc Tuấn thoáng gợi niềm hoài cổ. Nét thoáng gợi này thấm đượm trong ý tứ cảm xúc, trong lời lẽ. Theo cách phân định của người xưa về đường đời, Trần Ngọc Tuấn đã qua tuổi tam thập nhi lập, nhưng chưa đến tứ thập nhi bất hoặc. Anh sinh năm 1964. Ở thời chúng ta, tuổi ấy vẫn còn thanh xuân.Song, trong thơ Trần Ngọc Tuấn, ta như luôn bắt gặp cái nhìn của một kẻ muốn nhập thiền.



Ai tất bật với thăng trầm xuôi ngược
Người ung dung dõi mắt phía chân trời
.



Trần Ngọc Tuấn viết trong một bài tứ tuyệt. Điều này phần nào cắt nghĩa tác giả của Giữa cỏ (Nhà xuất bản Văn hóa –Thông tin - 1996) và Chân chim hóa thạch ( Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin – 1998) luôn tìm thấy an ủi ở thiên nhiên, ở những bậc tiền nhân. Một thiên nhiên và những bậc tiền nhân bao giờ cũng ẩn chứa nhiều độ lượng cùng một nỗi buồn. Phần nào điều này làm nên hồn thơ anh.



Hình như người miền Nam thường dành hai tiếng tài tử cho những người yêu cái đẹp, yêu chất thơ của đời sống hoàn toàn vô tư, đến với nghệ thuật mà không mong tìm kiếm gì cho những ảo tưởng. Những vần thơ Trần Ngọc Tuấn gợi cho ta phong vị tài tử ấy.


NGÔ THẾ OANH

* Bài viết đã được đăng trên Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội số 7 – 2000 .

Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

TRẦN NGỌC TUẤN : THANH THẢO - ĐI TỚI BIỂN CHÂN THÀNH KHÔNG MỆT MỎI






THANH THẢO – ĐI TỚI BIỂN CHÂN THÀNH KHÔNG MỆT MỎI

Thi sĩ đi qua bão lửa chiến tranh, nơi một chiếc áo có thể sống lâu hơn một cuộc đời, nơi máu đổ phải sống bằng thực chất – nơi cao nhất thử lòng ta yêu đất nước – thử lòng ta chung thủy vô tư – nơi vỡ vụn dưới chân ta những mảng đêm hèn nhát – những gương mặt ngẩng lên lấp lánh chất người, nơi hết thảy con người bóng họ tỏa mênh mông ngày nắng gắt – họ đi như gió – họ đứng như rừng – khi ngã xuống họ hóa thành mặt đất… Thi sĩ đi qua bão lửa nhân tình, đây đó vẫn còn tồn tại một thằng cặn bả - Tôi chào đất nước tôi, buồn quá – Đất nước cùng tôi lặng lẽ trên đườngChất người trong tâm hồn thi sĩ như vàng ròng qua bão lửa chiến tranh, bão lửa nhân tình vẫn nguyên trinh thô sơ mà hực sáng : người tìm vàng đãi cát – em qua cát tìm anh – ôi dấu chân dấu chân – những nẻo đường kháng chiến – người đi như sóng biển – tình yêu thành bãi bồi – nên mỗi bờ yêu thương – nên mỗi cồn xô dạt – đều có anh hạt cát – lặng dưới bàn chân em

Thi sĩ đi qua trảng cỏ, tự tại như giọt sương kia qua nắng gắt, qua bão tố - vẫn giữ lại cái mát lành đầy sức mạnh – vẫn long lanh bình thản trước vầng dương…

Thi sĩ mang bao khát vọng con người – dấu chân nho nhỏ không lời không tên – thời gian như cỏ vượt lên – lối mòn như sợi chỉ bền kéo qua, lặng lẽ đi tới biển, nơi không có tượng đài tạc bằng đá hoa cương, chỉ có sóng như thơ, chỉ có sóng như thơ chân thành, chỉ có sóng như thơ chân thành không mệt mỏi…


TRẦN NGỌC TUẤN

*Ghi chú : những chữ in nghiêng được trích từ thơ của nhà thơ Thanh Thảo

Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2011

NGUYỄN LÂM : TRẦN NGỌC TUẤN - LẠC ĐÀ TRÊN " CON ĐƯỜNG TƠ LỤA - THƠ"






TRẦN NGỌC TUẤN – LẠC ĐÀ TRÊN “CON ĐƯỜNG TƠ LỤA - THƠ “

NGUYỄN LÂM

Tôi gặp Trần Ngọc Tuấn vào một dịp tết cách đây gần chục năm ( 1994) . Lúc đó tôi đang ngồi ở nhà Hoàng Nhuận Cầm, phố Hàng Bún. Cả năm không gặp nhau, hai đứa đang hàn huyên chuyện trên trời dưới đất bên chén cuốc lủi trong vắt thì ào vào tiếng cười ròn tan, rồi đến chiếc áo blu-dông đầy bụi mưa, sau cùng đến một khuôn mặt trắng trẻo, nhẵn nhụi, để nhô ra cặp kính trắng gọng vàng phía trước và chỏm tóc cong ra phía sau hệt gã cao bồi Viễn Tây hoạt hình Lucky Luke. Và loáng một cái, những lát thịt heo quay Hàng Buồm vàng rộm,thơm phức đã nghễu nghện trên tấm lá chuối giữa chiếu.Để rồi ào ạt tuôn ra những “Chân quen lối cũ – Lạc về cõi xưa – Hoa em vừa độ - Nai tôi lạc rừng…” và “Chợt mai. Chợt ngọ. Chợt hoàng hôn – Biệt biệt lời hoa khúc họa hồn” …
Vào cái lúc “San san sẻ sẻ cho người đồng tâm” ít tiếng cười chắt chiu được từ những khi “Tất bật thăng trầm xuôi ngược” đó của Trần Ngọc Tuấn (giờ đây tôi đã biết anh bỏ biển quê xứ Quảng vào lập nghiệp ở bờ Sông Phố), con “Xúc xắc mùa thu” của Cầm đã xoáy vòng ra quán bia bình dân ngoài hè đường. Trong cơn gió mùa đông bắc buốt giá, những ly bia hơi lạnh lại sưởi ấm người. Bây giờ thì Trần Ngọc Tuấn đã đứng nhiều hơn ngồi, liên tục cụng ly, liên tục hát thơ; giữa cơn gió buốt đậm khuya Cửa Bắc mà Trần Ngọc Tuấn cứ để cho “Trăng leo qua đỉnh Tháp Chàm “ rồi gọi : “Gió ơi gió… nhẹ, kẻo làm trăng rơi!”. Cầm vốn chẳng phải kẻ kém miệng trong bất cứ cảnh huống nào, vậy mà lúc này gã chỉ cung tay mà cười khào khào. Một phần là vì gã đang đối diện với một cuộc tình mới , cô bé xứ biển Hòn Gai có cái tên rất đẹp, Điệp Vân (nay đã trở thành diễn viên màn bạc có hạng ở Hà Thành), đang ngồi khép nép bên cột điện, mỗi lần tôi giơ máy ảnh lên cô lại vội đưa tay che mặt. Phần khác, mà là phần chính, là sự thăng hoa thơ của Trần Ngọc Tuấn đã làm cho cái “Thế cuộc đỏ đen đời sáu mặt – Lung linh trong đáy mắt nhân tình”.
Không chỉ Hoàng Nhuận Cầm và tôi, nhiều đồng nghiệp khác cũng đã từng bị lây cái sôi động hồn nhiên của Trần Ngọc Tuấn. Tôi thấy được điều này ở cuộc gặp mặt sau đó mấy hôm, trước khi Trần Ngọc Tuấn trở về nhiệm sở ở Biên Hòa. Bữa đó, ở tại một quán đặc sản dê cũng tại Cửa Bắc, sau phần nhấc lên đặt xuống nhiều lần chén rượu “thang thuốc Minh Mạng”, đến đoạn “Người tìm người” nhả thơ mà người khai cuộc đương nhiên “khách phương xa kiêm chủ xị”. Giữa toàn những bộ mặt nam nhi ngầu như Trần Quang Quý, Nguyễn Sĩ Đại, Hoàng Nhuận Cầm, Hữu Việt… mà anh chàng thư sinh họ Trần nhỏ thó này không ngán lại đi quỳ “Giữa cỏ” mà lạy một cô gái vô danh nào đó:
Lạy em giũ sạch muộn phiền
Cho tâm thanh bạch giữa miền phù hoa
Lạy em bớt tiếng chua ngoa
Đời cay đắng lắm lại qua làm gì
Lạy em hãy ít so bì
Trăm năm rồi cũng bay đi úa vàng
Lạy hừng đông tới đêm tàn
Có nghe tôi lạy giữa ngàn cỏ ru

Ở văn cảnh đó, chẳng ai trốn được cái việc mở miệng nhả văn vần.(Tôi tính đánh bài chuồn mà không xong. Trần Ngọc Tuấn đã kịp moi trong túi tôi bức chân dung tôi mới vẽ bằng chữ cô bạn gái lâu ngày mới gặp lại,ở một quán trong “làng tuất Nhật tân” tối hôm trước, cùng với đám bạn văn xuôi Nguyễn Quang Lập , Bảo Ninh, Phạm Xuân Nguyên: “tóc cứ lệch – áo đen thành trắng – trong đêm nhao nhác – người cười – đắng khung trời – đâu ai hờn dỗi – lỗi hẹn rồi – men xưa thiêm thiếp – kẻ không nhà lang thang phố cũ – đường đang đen trăng quét trắng lòa – em đăm đẵm bên bờ khuya thẳm – rét chợt về - Hồ Tây lặn sóng – chút chênh chao – giọt mịn nhòa mây”)…
Sau này khi trở về Sài Gòn với nhịp sống gấp gáp của đời thường, tôi mới thật sự hiểu công việc đang làm của Trần Ngọc Tuấn. Nó thuộc lĩnh vực hầu như đối nghịch với thơ – một đơn vị kinh tế - chỉ cần xao lãng việc tính toán một chút thôi là đủ để… sập tiệm! Vậy Trần Ngọc Tuấn đã làm thế nào để cân bằng được hai đối cực đó ? Một kế toán trưởng dù đã cao giọng tự nhận mình “trót dại xem tiền như vỏ hến”, ngày ngày vẫn “Bon chen giữa chốn chợ đời – tiền trao cháo múc ngọt lời đẩy đưa” và đóng góp phần công sức không nhỏ cho cái công ty đầu tư nước ngoài của anh làm ăn ngày càng khấm khá, tiền mẹ đẻ tiền con, phát triển từ Đồng Nai qua Bình Dương, tới thành phố Hồ Chí Minh… Để rồi đêm đêm trở về “Nhà ta ở cuối chân trời – Khát thời có rượu, đói thời có thơ” mà “Thức cùng góa bụa – Nghe núi đá rùng mình” hoặc “Năm canh thương nhớ bốn mùa xa xăm”. Hoặc nữa, có khi lại là để thả các giấc mơ kỳ quặc “Rẽ sóng đi cưới con vua Thủy tề” hay hóa thành gã điên “ra sông uống nước – phố phường thờ ơ”… Những giấc mơ hư mà thực đó đã kết tinh thành những câu thơ lạ, những vần thơ hay, tụ thành các tập “Giữa cỏ”(1996), “Chân chim hóa thạch” (1998), “Con mắt dã quỳ” (2000).
Với tôi lúc này, gặp mặt Trần Ngọc Tuấn đã là chuyện thường xuyên. Ở giữa Sài Gòn có một địa chỉ quen thuộc đối với khá đông người ở mọi tầng lớp (từa tựa quán Trúc Viên ở phố Trần Hưng Đạo – Hà Nội ). Đó là Quán Trúc ở đường Lê Quý Đôn – bảng hiệu là bụi trúc trước cửa, chỗ ngồi ở vỉa hè đầy bụi, nắng thì bức, mưa thì ướt nhẹp, ăn thì không ngon, đồ uống cao hơn mức bình dân, nhân viên phục vụ đều là đám nhóc mới ở quê lên, thường mải chơi mà quên khách. Nghĩa là chả được một nết nào ! Vậy mà từ sáng tới tối, khách cứ đông nghìn nghịt. Tôi thích ngồi một mình ở đó, viết bài hoặc chỉ để hóng gió, ngó người qua lại chẳng sợ ai quấy rầy. Công việc làm ăn đưa Trần Ngọc Tuấn về Sài Gòn mỗi tuần chừng hai ba lần. Những hôm ấy, buổi trưa, xe Trần Ngọc Tuấn thường chạy qua Quán Trúc không thấy ai quen thân ( tôi hoặc Hoài Anh …) mới tấp vào Quán 81 – tụ điểm ồn ào của đủ loại “nghệ sĩ “, “gừng sĩ” như Trần Ngọc Tuấn từng miêu tả khá đặc sắc :
Có gã xa quê buồn như đá
Một bàn…Một ghế…Một tha hương”
“Có gã thất tình ngồi nói mớ
U ơ… ú ớ…lú hồn thơ”
“Có gã giận đời ngồi nói nhảm
Gió như mây thảy thảy ơ hờ”
“Có gã lên gân xưng hùng bá
Chưa ra quân xếp bộ cuốn cờ

Mỗi khi gặp nhau, bao giờ Trần Ngọc Tuấn cũng làm thủ tục chào bàn bằng mấy “ve” trào bọt, tiếp đến là những “vần nhớ” dành cho các bậc thi hào, thi bá đã khuất. Và thế là, giữa trưa hè oi bức đầy bụi và tiếng ồn, những “vọng chiều tím bóng hoa mua”, những “vọng đêm run rẩy giọt mưa nghẽn rừng”…đã hóa thành những ngọn gió lang thang quanh bụi trúc, rồi “nổi bão tốc chân mày”.
Đâu chỉ có vậy? Còn có rất nhiều khuya, dù còn thức hay đã ngủ, tôi cứ bị cái hồi chuông điện thoại kinh dị ấy “quấy rối tình bạn”. Thay cho câu quy ước là nửa câu lục bát: “Đêm ngày nghiền ngẫm đường cơ!”. Thế là tôi phải xuất ra mấy câu “thơ man” mới của mình, hoặc trân mình ra cho y ví là con dế: “Bao phen mỏi mệt tiếng người – về chơi với dế cho đời lêu têu”…
Nhắc đến Trần Ngọc Tuấn mà chỉ nói đến thơ e rằng không đủ. Như ở nửa sau câu chào điện thoại “Áo cơm sở đoản. Rượu thơ sở trường”, Trần Ngọc Tuấn nhận mình còn mạnh cả về khoản rượu nữa. Tửu lượng của Trần Ngọc Tuấn thế nào tôi còn chưa rõ, chứ “bia lượng” của y thì đáng được xếp vào hàng cao thủ. Nhiều lần ở Quán 81, tôi thấy y đi khắp các bàn cụng ly “trăm phần trăm” mấy lượt mà bước chân không hề loạng choạng, mà lưỡi không hề líu. Chỉ một lần ở đây, vào lúc tối trời (nghĩa là sang “hiệp phụ”) chân y mềm xìu, không đứng dậy nổi. Chỉ một lần, cũng vào lúc xế chiều, cũng ở “hiệp phụ” tại quán Trống Đồng (chủ quán là một nhà thơ và khách thường xuyên là những người làm thơ thích được gọi là “thi sĩ mô-đẹc”), có một thi sĩ không mô-đẹc lên giọng bề trên, thế là Trần Ngọc Tuấn cầm vỏ chai bia đập vào tường quán. Cả hai lần này tôi đều bốc y cùng xe máy của y lên taxi về “Cõi yêu” của y…
Bây giờ, đối với Trần Ngọc Tuấn, áo cơm cũng đã thành sở trường. Công việc làm ăn đã thành nền thành nếp, đâu vào đấy. Vẫn còn đầy rẫy những cú điện thoại kinh dị ban khuya nhưng đã thưa đi những chuyến phiêu lưu vặt ở Quán 81, Trống Đồng (Quán Trúc đã bị bứng đi như Quán Trúc Viên). Thời gian Trần Ngọc Tuấn dành cho thơ đã nhiều hơn hẵn trước, câu chữ được trau chuốt kỹ hơn, ý tưởng thơ mở rộng hơn, đặt ra nhiều vấn đề hơn. Song chính cái sự “cân bằng sinh thái” đó (cái gì cũng là sở trường) đã làm mất đi phần nào cái chông chênh trong cảm xúc, trong tâm tưởng của Trần Ngọc Tuấn, yếu tố không thể thiếu để tạo thành một tác phẩm nghệ thuật. Ở “Con mắt dã quỳ”,những cấu trúc hợp lý, những mở - kết đối xứng chặt quá, những lý sự về đời, về thơ ồn ào quá, không còn sự cuốn hút bất ngờ như “Chân chim hóa thạch” trước đây.
Có thể tôi nói quá lời. Bởi Trần Ngọc Tuấn vẫn còn nguyên “Tiếng vọng lạc đà “ – đường cơ đang được nghiền ngẫm hằng đêm. Trần Ngọc Tuấn hay nhắc đến sa mạc:
Tình đơm một đóa xương rồng
Ta sa mạc trắng. Em hồng nét hoa

" Mượn tiếng gió trên sa mạc
Để trang trải cô đơn
".
Bởi anh rất thích hình tượng "con đường tơ lụa’’. Sa mạc có thể hiểu theo nghĩa cuộc đời đầy khổ ải gian truân. Nhưng lại có ‘’Con đường tơ lụa ‘’ chạy xuyên sa mạc, con đường của kinh tế và văn hóa, con đường của phồn vinh và văn minh ! Và chỉ có lạc đà là sinh vật có thể đi được từ đầu đến cuối con đường này. Trần Ngọc Tuấn muốn dùng hình ảnh lạc đà để ví với mình và con đường thơ của anh chính là "Con đường tơ lụa’’. Một so sánh lạ và hay. Và trước mắt anh, "Con đường tơ lụa – thơ " còn rất dài để đi.

Sài Gòn, 28-7-2002

NGUYỄN LÂM

*Bài viết đã đăng trên Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai số 9 ,tháng 1 năm 2003







Thứ Ba, 16 tháng 8, 2011

NGUYỄN ĐỨC THỌ : TRẦN NGỌC TUẤN - CON MẮT THƠ






TRẦN NGỌC TUẤN – CON MẮT THƠ

NGUYỄN ĐỨC THỌ


Lần đầu gặp nhau, hắn gây cho tôi cảm giác khó chịu bởi cái giọng nói, thứ giọng Quảng Ngãi nguyên gốc. Và chắc là hắn cũng khổ sở vì phải trò chuyện cùng tôi, đã vậy tôi cố tình nói bắng giọng Nghệ mà bà ngoại tôi vẫn nói để gây cho hắn cảm giác mạnh. Đúng là trời đày. Nghệ An và Quảng Ngãi hai tỉnh kết nghĩa với nhau từ khi đất nước chưa thống nhất đến giờ nhưng hai đứa con của hai miền quê giàu truyền thống cách mạng ngồi với nhau lại phải nhờ ông Lê Đăng Kháng, trưởng Ban biên tập Nhà xuất bản Đồng Nai làm phiên dịch ra tiếng phổ thông ở những đoạn giàu biểu cảm nhất, ấy là khi nói về thơ. Hắn mê thơ đến mức làm ai cũng khiếp, mê thơ theo kiểu mấy ông có máu đỏ đen mê thụt bi-a:
Đêm ngày nghiền ngẫm đường cơ
Áo cơm sở đoản, rượu thơ sở trường
.
Mỗi lần hắn ra tập thơ mới là một sự kiện động trời ở đất Đồng Nai. Hắn tặng sách, hắn nâng ly, hắn cười nói rổn rảng y như vừa nghe tin du kích Ba Tơ thắng trận trở về…và rồi kết thúc bữa bia hơi liên hoan mừng tập thơ mới hắn xin mời cử tọa lắng nghe hắn đọc chừng mươi bài thơ mới nhất của tập thơ sắp in nay mai…
Có thể tạm dựng chân dung hí họa của Tuấn bằng vài dòng như thế. Tôi và Tuấn thân nhau, lâu lâu không bị hắn hành về những dự định… thơ tôi lại thấy nhớ hắn. Nhớ hắn nhất là những khi đi xa Biên Hòa gặp phải những ông thần… thơ chuyên công bố thơ theo kiểu cướp diễn đàn. Lúc ấy tôi thường ao ước có Tuấn bên cạnh: A, các ông coi tôi là đồ văn xuôi phải không? Lần sau tôi mang theo Trần Ngọc Tuấn, nó sẽ là pháo đài thơ B52, nó sẽ “oanh tạc” cho các ông tan tác bằng giọng thơ Quảng Ngãi. Tôi thường đem Tuấn ra dọa mấy ông bạn rượu như vậy và may mắn thay, tôi biết họ cũng rất yêu Tuấn như tôi.
Tuấn có một quãng đời lập thân “vĩ đại” (hắn rất thích dùng từ vĩ đại khi đã ngà ngà hơi bia, có thể hiểu từnày theo nghĩa đen là “cái đuôi lớn”), tốt nghiệp Đại học về Đồng Nai theo tiếng gọi thiêng liêng của vợ hắn bây giờ:
Nhà Bè nước chảy chia hai
Thân này chọn hướng Đồng Nai xuôi thuyền
Cũng vì hai chữ nhân duyên
Xa cha, biệt mẹ buông thuyền… theo em
!
Nhưng hắn là người anh trai sớm biết lo toan hiếu đễ, sau lưng là cái đuôi lớn, một lũ em từ ngoài Trung theo vào đang tuổi ăn học đại học. Hắn lo tất và các chú em đã lần lượt ra trường tự kiếm cơm, tự lập thân đúng tinh thần tranh đấu của người xứ Quảng. Tuấn là một trong những người sớm có bản lĩnh sống vào thời buổi cơ chế thị trường, làm kế toán cho hai công ty Đài Loan cùng một lúc và tất nhiên thu nhập của hắn hiện nay thuộc vào hàng phải đóng thuế thu nhập theo đúng luật định. Với thu nhập vững vàng và ổn định việc in một tập thơ đối với hắn chẳng là cái đinh gì. Tuy thế Tuấn là một người thơ rất nghiêm cẩn trong việc công bố tác phẩm, khác hẳn với những ông tay chơi thừa tiền rửng mỡ in thơ theo kiểu trưởng giả học làm sang. Sáu năm trời có bốn tập in riêng và hai tập in chung với hàng trăm bài in lẻ trên các báo khắp trong Nam ngoài Bắc, đủ biết bút lực của Tuấn không phải là tay vừa trong chuyện dan díu với Nàng Thơ.
Quả tình tôi là người rất thân với Tuấn nhưng chẳng hiểu hắn làm thơ vào lúc nào. Nghề của hắn là nghề của những con số, của sự chi li tính toán lời lỗ với hàng trăm chi tiết rối rắm, lơ mơ sai sót như chơi. Và trong một cơ chế quản lý kinh tế thiếu sự hoàn chỉnh như hiện nay,đó còn là nghề của sự mưu toan khoác nhiều tấm áo mỹ miều. Tuấn là một kẻ nô tài chuyên tính toán nhằm thu phần lợi về cho ông chủ càng nhiều càng tốt. Nói tóm lại nghề của hắn là nghề làm xiếc cân bằng đi trên sợi dây căng ngang mà người ta quen gọi là pháp luật! Kinh lắm! Ôi, cái nghề phù thủy sổ sách hạch toán kinh tế! Công việc kiếm cơm như thế đủ gây stress, đủ làm cho con người hóa thành cái máy vô cảm với đời. Thế mà hắn lại nuôi mộng làm ông Lý Bạch!
Chưa khi nào tôi thấy Tuấn vỗ ngực khoe khoang cái ghế làm thuê của mình, cho dù làm được cái chỗ của hắn là mơ ước của nhiều người. Giỏi chuyên môn đã đành, còn phải rành tiếng Anh và tiếng Hoa, rành máy vi tính… Tôi đã từng gặp một ông chủ của Tuấn, tưởng tôi là người của ngành thuế vội ủy quyền cho hắn tiếp khách. Tuấn thay mặt ông chủ đưa tôi đi tham quan khắp các công xưởng, tôi vừa xem vừa bái phục hắn. Lấy được đồng lương bằng đô la của người nước ngoài đâu phải là dễ, ông anh ơi, thân em đây càng ngày càng teo tóp như con nhái bén thế này. Tôi nghe hắn huyên thuyên, đành ậm ờ cho qua chuyện…
Bỏ cái tập thơ bốc đồng đầu tay Giác quan biển đi, mà chỉ tính bắt đầu từ tập thơ thứ hai Giữa cỏ - Nxb Văn hóa Thông tin – 1996 rồi qua tập thứ ba Chân chim hóa thạch – Nxb Văn hóa Thông tin – 1998 đến tập thơ thứ tư Con mắt dã quỳ - Nxb Hội nhà văn - 2000, Tuấn đã xuất hiện và tự mình làm một cuộc chạy đua nước rút với tuổi thanh xuân của chính mình trong khi viết. Đó là một kẻ mang nhiều khát vọng sáng tạo, một kẻ luôn đi tìm tòi bản thân mình, một kẻ luôn muốn vượt lên chính mình để khẳng định vị trí của nhà thơ. Hình như Tuấn luôn mặc cảm với cái chân kế toán, mà muốn hô lên với người đồng cảm rằng tôi là người của thơ. Tuấn đã sống hồn nhiên, sống rất đẹp khi tự bạch :
Biết thân hoa dại bên đình
Cũng xin vắt kiệt hồn mình mà thơm
.
Thú thật, buổi đầu tôi không tin Tuấn hết mình với thơ. Tôi nghĩ hắn làm thơ để thư giãn, thơ là liệu pháp dưỡng sinh để hắn đủ sức mà chiến đấu với kế sinh nhai, hắn chơi thơ, hắn… rửng mỡ! Nhưng rồi đọc Tuấn, càng đọc tôi lại càng ân hận và thấy mình sai lầm. Thơ hắn có những câu khiến tôi mất ngủ :
Bạn đi để lại tiếng cười
Tôi ngồi vẽ núi lạnh mười ngón tay
.
Hay như trong lời thiêng của một liệt sĩ nhắn với những người đi tìm đồng đội:
Tôi hóa cây
Trong vườn của mẹ
Bạn hãy thay tôi
Hái quả dâng Người

Lang thang trẻ thơ
Đầu đường cuối chợ
Tôi hóa mắt nhìn
Bạn nhận ra không ?
Chẳng ai thư giãn lại thấy mình làm liệt sĩ hóa thân vào cỏ xanh, vào đá dưới chân nàng Tô Thị, vào cây trái, vào đôi mắt trẻ thơ lang thang đầu đường xó chợ. Tâm thế bao dung ấy cũng là tâm thế của người hay đau đời, tâm thế của nhà thơ. Lụy hết thảy mọi nỗi đau con người…
Theo tôi, Tuấn thành công ở những bài về nỗi đau nhân thế, nỗi đau lớn mang tầm vóc của người Việt sau bao năm chiến tranh tao loạn. Có lẽ những năm tháng ấu thơ, dấu ấn kinh hoàng của chiến tranh vẫn không thể phai mờ trong ký ức. So với bạn bè thơ trang lứa, ít thấy ai nhói lòng bởi những cảm nhận thương đau ấy như Tuấn, như trong bài Tìm:
Mẹ đi tìm con
Mỏi mòn con mắt

Vợ đi tìm chồng
Thăn thắt ruột gan

Em đi tìm anh
Vật vờ nỗi nhớ

Người đi tìm người
Biền biệt cỏ lau.
Hay như trong bài Nhớ:
Nỗi nhớ Bắc – Nam
Quặn lòng giới tuyến

Nỗi nhớ núi rừng
Nhói tiếng ốc tu

Nỗi nhớ liếc dao
Cứa hồn phụ bạc

Nỗi nhớ sa mưa
Thấm giọng kinh chiều…
Và có lẽ thành công nhất của Tuấn trong cái mạch thế sự ấy là bài thơ Tháng Tư trở lại. Bài này đánh dấu sự vươn mình của Tuấn ra khỏi những tự vấn bản ngã vụn vặt mà các nhà thơ trẻ thường mắc phải khi đi tìm chính mình trong thơ:
Tháng Tư trở lại, ai ngồi nhớ
Vạt rừng khét lẹt khói bom cay
Đồng đội chia nhau từng hơi thở
Xa – gần, khoảng cách một tầm tay

Tháng Tư trở lại, ai cười nói
Vô tư như gió thoảng qua cầu
Ai mới đi qua nghìn đêm đói
Giờ buồn ngồi đếm hạt mưa sâu

Tháng Tư trở lại, ai ngồi hát
Ai say mê dạo khúc đàn bầu
Ai trải đời mình như khuôn nhạc
Cho ai trầm bổng nốt thương nhau
Tôi cho đó là sự từng trải trong chiêm nghiệm, trong cô đơn mới viết được như thế. Tuấn chưa hề đi qua Trường Sơn như thế hệ chúng tôi và các bậc đàn anh nhưng rõ ràng Tuấn đã thấu hiểu cái giá của một ngày tháng Tư lịch sử năm 1975.
Người ta nói làm thơ phải có cảm xúc, Tuấn làm thơ bằng con mắt. Tìm từng chữ, nắn nót từng chữ khi đặt bút trên giấy trắng… con mắt chữ của Tuấn là con mắt thơ. Chính vì thế thơ Tuấn thường ngắn và tạng của Tuấn là viết bằng sự thảng thốt mà nên chữ nên câu…Tuấn có ý thức lập tứ nhưng tự liệu sức vóc mình nên đôi khi không đi hết tứ để thành bài. Đây là chỗ hạn chế của Tuấn và hắn biết điều ấy!
Thường ngày hắn vẫn đến bên tôi như một người em vui tính và hơi thất thường nhưng trong tôi hắn là bạn vong niên và tôi hy vọng nhiều ở Tuấn, rồi sẽ đến một ngày hắn tự hoàn thiện mình trong hành trình hướng thiện duy nhất của đời hắn - ấy là Thơ. Lâu lâu không gặp hắn, buồn tình tôi lại nghêu ngao đọc những câu buông chùng khi say của hắn:
Có một gã điên
Ra sông uống nước
Phố phường thờ ơ
Thân quen ơ hờ
May còn dòng sông
Hiểu gã lơ mơ…

Không thấy gã điên
Ra sông uống nước
Ông lão lái đò
Hờ ơ bến vắng
Mơ thấy gã về
Cười nói u… ơ…


Đồng Nai, năm 2000

NGUYỄN ĐỨC THỌ

*Bài viết được đăng trong tác phẩm NHÂN CHỨNG CỦA THIÊN NHIÊN (NGUYỄN ĐỨC THỌ) – NXB THANH NIÊN - 2000


Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2011

VŨ NHO : CÓ MỘT NGƯỜI THƠ ( ĐỌC GIỮA CỎ & CHÂN CHIM HÓA THẠCH CỦA TRẦN NGỌC TUẤN )






CÓ MỘT NGƯỜI THƠ

(Đọc Giữa cỏ và Chân chim hóa thạch của Trần Ngọc Tuấn )

VŨ NHO

Thơ Trần Ngọc Tuấn gây ấn tượng khá mạnh về một người thơ. Đấy là một chàng trai thích rong chơi, thích phiêu du.” Vẹt gót giày nẻo đường cát gió. Một đời xuân rắc mà chơi. Rỡn chơi một đi rong. Lãng du tình suối hồn khe. Lắng đắng người về căn gác tịch. Ta đã chọn một đời làm lữ khách. Nẻo đi về quên nhớ phủ rong rêu”…
Nhưng ở đây chỉ là thoạt ấn tượng. Còn có một người thơ khác cần cù chăm chỉ, bôn ba lăn lóc với cuộc đời. Anh chàng phiêu bồng lãng tử kia chơi có lúc, có khúc, có mùa. Có chơi hoang thì cũng lựa khi năm cùng tháng tận, trốn nhà. Có hưởng lạc thú “ Chăn mây đắp tạm mơ hồ dáng tiên “, ở cạnh suối Lồ Ồ cũng chỉ là thảng hoặc “ Mấy khi thỏa giấc giữa miền cỏ hoa “ . Còn thì con người “ Phiêu du tài tử đa đoan khối tình “ noi dấu Tản Đà đó là con người đang vần vật, lặn ngụp trong “ Quán đời sấp ngửa bán mua “. Anh ta đang phạc phờ chạy gạo từng lon: Nuôi thơ, nuôi vợ, nuôi con, nuôi mình. Nuôi anh ta thì đơn giản ở cái ăn, khó khăn ở đồ uống: Khát thời có rượu, đói thời có thơ. Nhưng nuôi thơ đâu có giản đơn, nếu không nói là khó hơn nhiều so với nuôi con, nuôi vợ. Đã hết đâu, còn bao nhiêu nghĩa vụ anh phải làm. Anh làm phận sự người tình: Cũng vì một chữ nhân duyên. Xa cha biệt mẹ buông thuyền theo em! Anh làm trách nhiệm, nghĩa vụ người cha trước nhà bảo sanh: Hạnh vuông phúc tròn bồng bế hai tay. Anh làm nhiệm vụ của người bạn chân thành, thủy chung: Chắt chiu được ít tiếng cười – San san sẻ sẻ cho người đồng tâm. Làm gì, ở đâu anh cũng không quên bổn phận của một người con hiếu thảo: Dáng còng của mẹ, dấu hỏi đời con…
Người thơ ấy nhiều khi thấm nỗi cô đơn: Mình tôi lặn ngụp buồn leo lắt buồn ( Phiêu bồng mấy độ). Tôi còn thất bát gặt gieo vụ đời ( Cuối năm thăm mộ bạn) . Tôi ngồi vẽ núi lạnh mười ngón tay ( Vẽ núi )…
Cái hay, sự cuốn hút của thơ Trần Ngọc Tuấn là ở chỗ người thơ mặc dù chìm nổi trong cõi đời bon chen, quán đời sấp ngửa, làm đủ các phận sự khó khăn của một người có trách nhiệm, nhưng mà vẫn vượt thoát ra, vẫn thăng hoa được để phiêu bồng mấy độ, để giũ sạch muộn phiền.Cho tâm thanh bạch giữa miền phù hoa
Nhập vào cuộc đua chen sấp ngửa mà vẫn ung dung phiêu bồng, lăn lóc giữa bon chen mà không lấm bụi. Tính cách đó ảnh hưởng và để dấu in trên sự hoài niệm tiền nhân. Những bài thơ kiểu Thương nhớ tài hoa (Nguyễn Vũ Tiềm), trong đó Trần Ngọc Tuấn muốn tìm sự đồng điệu người xưa với mình. Anh nhấn mạnh cái tính “ngang tàng“, cái sự “ngất ngưởng”, cái máu “đa đoan”, cái bệnh “phiêu nhiên”, cái thú “rong chơi”. Nghĩa là những gì anh thấy đồng thanh đồng khí. Hình như gần gũi với anh hơn cả là thi sĩ Tản Đà, người đệ tử Lưu Linh, người đa đoan khối tình và hết mình vì thơ phú. Tản Đà tiên sinh từng tuyên ngôn :”Không thơ, không rượu sống như thừa”. Hẳn là trong thâm tâm, Trần Ngọc Tuấn đã đầu quân dưới lá cờ “thi tửu”.
- Áo cơm sở đoản, rượu thơ sở trường
- Khát thời có rượu, đói thời có thơ.
Nhà thơ uống rượu theo kiểu Văn Cao: Rượu trần một chén nhâm nhi. Nhưng khi cao hứng lên anh “Cụng ly cùng mưa bụi Hoàng Cung” và men đã thấm “Rượu uống quên say”. Cả trong cõi chiêm bao còn rượu (Rượu chiêm bao).
Người thơ coi đời là cuộc chơi không nhằm lỗ lã. Nhưng chơi đẹp là điều bao giờ anh cũng bận tâm. Nếu đời là chợ đời thì thơ cũng thế. Cũng là một cái chợ “Chợ văn sớm nắng chiều mưa”. Với đời, với thơ, Trần Ngọc Tuấn đều nhiệt tình, đều hết mình. Sự dấn thân vào đời cũng có nghĩa là dấn thân vì thơ “Ta giã nhà từ độ bóng thơ qua” Rồi từ đấy:
- Ngọt ngào dành trọn cho thơ
- Lời thơ đậm quá chữ tình
Nên thân xác tướp xơ hình cỏ lau.
Anh đêm ngày nghiền ngẫm đường cơ, tạo ra các bài thơ cô đúc, các lời thơ rưng rức: đi lâu lắc, thăn thắt ruột gan, biệt biệt lời hoa, lơ ngơ con nước… Thơ anh gây ấn tượng.
Cổ ngữ có câu: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Nếu giời không có ý bắt làm thi sĩ thì… cứ mặc. Chỉ biết Trần Ngọc Tuấn hết lòng vì thơ, vì bạn đồng tâm, bạn tri âm. Thông điệp xanh của anh ở giữa cỏ, trong chân chim hóa thạch, trong thơ anh…sẽ gửi lại mai sau. Nỗi buồn nhân chứng. Rằng có một người thơ…

Hà Nội, mùa hè 1999

VŨ NHO






*Bài viết được đăng trong tác phẩm ĐI GIỮA MIỀN THƠ - NXB VĂN HÓA THÔNG TIN ,2001