Thứ Hai, 25 tháng 7, 2011

HOÀI ANH : CHÂN CHIM HÓA THẠCH (ĐỌC TẬP THƠ CHÂN CHIM HÓA THẠCH CỦA TRẦN NGỌC TUẤN )






CHÂN CHIM HÓA THẠCH

(Đọc tập thơ CHÂN CHIM HÓA THẠCH của Trần Ngọc Tuấn )

HOÀI ANH

Các nhà văn Aleho Carpentier, Gabriel Garcia Marquez nhận thấy ở Châu Mỹ La Tinh, bên cạnh những địa tầng địa chất còn có những lớp địa tầng văn hóa chìm sâu trong lòng đất, kết tinh lại trong những huyền thoại, cổ tích, truyền kỳ, thơ ca dân gian… thấm đậm ký ức cộng đồng trải qua hàng ngàn năm vẫn sống cùng con người hôm nay, cái đó đã tạo nên hiện thực huyền ảo của Châu Mỹ La Tinh. Tôi nghĩ ở Phương Đông và ở Việt Nam cũng có cái hiện thực huyền ảo như vậy, như huyền thoại Gióng.
…Huyền thoại ấy với tất cả các chi tiết mang tính biểu tượng trong hệ thống cấu trúc của nó, đã thể hiện cùng một lúc cả chiều cao, chiều rộng, chiều sâu của hiện thực chống ngoại xâm của đất nước ta, một hiện thực phong phú, phức tạp và dữ dội. Hiện thực ấy đi vào lòng cuộc sống vào máu thịt làm nên hội sống của con người Việt Nam, với ý thức cộng đồng, thái độ ứng xử, hình thành tính cách tâm lý, quan niệm triết lý, đạo đức, qua đó góp phần đào luyện nhân cách tạo nên nếp sống của con người Việt Nam.
Các nhà thơ lớn của dân tộc sở dĩ vĩ đại ở chỗ trong tác phẩm của họ đã lưu giữ được ký ức cộng đồng hội nhập được vào ý thức cộng đồng nhiều hơn ai hết vì cá tính, lối sống của họ thể hiện được những nét bản chất nhất, đặc trưng nhất của tính cách, tâm hồn dân tộc; chính vì thế mà trong hoàn cảnh thời cổ thiếu phương tiện in ấn xuất bản phần lớn chỉ lưu hành bằng hình thức truyền miệng, thơ văn của họ được nhiều thế hệ người Việt Nam truyền tụng, và đến lượt thơ văn của họ lại thành bia miệng sống mãi nghìn thu, đi vào kho tàng ký ức cộng đồng, ý thức cộng đồng, vừa trở thành tài sản tinh thần của dân tộc vừa tạo nên cái hiện thực huyền ảo của đất nước, nằm trong những vỉa sâu của địa tầng văn hóa Việt Nam, và cái cốt cách lãng mạn tài – tình của con người - ở đời Việt Nam.
Tôi hiểu Trần Ngọc Tuấn khi viết những bài thơ về Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Công Trứ, Cao bá Quát, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tản Đà…là muốn khơi sâu vào những lớp địa tầng văn hóa, tìm đến những giá trị tinh thần không hề mục nát với thời gian mà đã hóa thạch, mong để kết tinh những gì là tiêu biểu nhất của tính cách, tâm hồn dân tộc và bản lĩnh cá tính của con người Việt Nam, tâm hồn như sao Khuê vằng vặc của Nguyễn Trãi, tình cảm nhân đạo nhuần thấm đến cả bộ xương khô của Nguyễn Du, cái bản lĩnh một trèo ba bảy cũng trèo của Hồ Xuân Hương, cái khí phách làm cây thông đứng giữa trời mà reo của Nguyễn Công Trứ, cái hào khí chọc trời khuấy nước của Cao Bá Quát… cho đến tâm sự đau đời thương nước của Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tản Đà… khi đất nước còn đêm sao đêm vẫn tối mò mò, đều là những viên ngọc gia bảo mà chúng ta cần gìn giữ trân trọng. Xét cho cùng thì ngọc cũng là một thứ thạch (đá) mà thôi, chỉ có khác là sự hóa thạch này kết tinh được những gì sáng đẹp nhất, trong sạch nhất, bền vững nhất. Nhưng giá trị của viên ngọc không phải lúc nào bằng mắt thường cũng có thể nhận ra ngay mà phải trải qua sự sàng lọc của thời gian mới phát hiện vẻ bên trong của viên ngọc . Đó là trường hợp những danh nhân như Ngô Thì Nhậm chẳng hạn.
Không phải cái gì có khối lượng, trọng lượng lớn mới là đẹp, mà cái đẹp có khi rất tế vi, như chân chim hóa thạch, đòi hỏi phải có sự tinh tế, nhạy bén mới cảm nhận được.
Tìm ra cái đẹp qua chiều sâu của văn hóa dân tộc không chỉ ngồi chiêm ngưỡng, ca tụng, mà cái chính là phải noi gương người xưa đưa những cái gì tinh túy nhất của tính cách tâm hồn Việt Nam vào đời sống hàng ngày, vào phép ứng xử, vào nếp tư duy, vào cách rung cảm, vào quan niệm sống, vào thái độ nhập thế và xuất thế, vào cách hưởng thụ lạc thú vật chất và tinh thần, vào việc rèn luyện nghị lực và bản lĩnh…
Tôi biết sau khi đã nêu ra một số định đề về bài học của người xưa, Trần Ngọc Tuấn thử làm một số bài tập, ứng dụng những bài học ấy vào cách sống, cách cảm, cách nghĩ của bản thân mình, ướm mình vào cái thước đo của chân lý nghìn đời.
Thân chăm chỉ bởi biết mình mang nợ
Quả người xưa ăn lậm quá nhiều

Chăm chỉ không có nghĩa là cứ cắm đầu làm nhọc hình hài, làm mệt tâm trí, mà nói cho cùng sống cũng là một cuộc chơi, một cuộc chơi điệu nghệ, đạt tới một nghệ thuật sống, không bon chen, không nhắm lỗ lời. Trước hết là phải trực nhận được sự mong manh của kiếp người lấy thân cỏ dại đo hình càn khôn, sự tàn phá của thời gian chuyến xe rác chở theo hoa bất tử để từ đó mà có một thái độ đầy trách nhiệm, đầy thương yêu đối với cuộc sống hiện hữu phạc phờ chạy gạo từng lon, nuôi thơ, nuôi vợ, nuôi con, nuôi mình, lời thơ đậm quá chữ tình, nên thân xác tướp xơ hình cỏ lau. Đồng thời đạt tới thế quân bình trong tâm trí, để sống một cách ung dung, thích thảng Nhà ta ở cuối chân trời, Khát thời có rượu, đói thời có thơ,Trăng qua khi tỏ khi mờ, Lỏng then bạn quý,khép hờ yêu ma, và cuối cùng ra đi một cách bình tĩnh thản nhiên về cõi không ghen không hờn.
Vẫn biết rằng nói thì dễ làm được mới là khó, tuy vậy chúng ta cũng không nên bỏ qua thái độ dũng cảm, thành thật của Trần Ngọc Tuấn khi nghiêm khắc soát xét lại hành trang của mình, vứt bỏ những gì dư thừa vướng bận, để nhẹ nhàng đi tiếp những chặng đường mới, nơi thơ với cuộc đời là một .


Sài Gòn, 1998

HOÀI ANH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét