Thứ Tư, 27 tháng 4, 2011

TRẦN NGỌC TUẤN : CHẾ LAN VIÊN - MUÔN MẶT THÁP MỘT HỒN THƠ
















CHẾ LAN VIÊN – MUÔN MẶT THÁP MỘT HỒN THƠ


Thi sĩ hiện hữu như ngọn Tháp muôn mặt, sừng sững giữa bầu trời thơ ca đầy gió nắng…

Khi ngọn gió siêu hình thổi qua…Khi ánh nắng huyền bí lung linh sắc màu tôn giáo chiếu sáng…Tháp có gương mặt Tháp Chàm, đây những tháp gầy mòn vì mong đợi – những đền xưa đổ nát dưới thời gian – những sông vắng lê mình trong bóng tối – những tượng Chàm lở lói rỉ rên than…

Khi ngọn gió rít lên từ bom gầm, pháo dội…Khi ánh nắng sẫm màu chất độc da cam, sạm màu khói súng bao phủ… Tháp có gương mặt của người ra trận, ở đất nước ba tuổi đã rời nôi lên ngựa sắt – tuổi trẻ chơi lau đã chơi trò đánh giặc…thơ chỉ sống một phần cho mình còn ba phần cho nhiệm vụ, nghĩ mà thương…

Khi đối diện với chính mình Tháp hiện hình là Tháp Bay On : Anh là Tháp Bay On bốn mặt – giấu đi ba, còn lại đấy là anh – chỉ mặt đó mà nghìn trò cười khóc – làm đau ba mặt kia trong cõi ẩn hình…

Dẫu ngọn Tháp muôn mặt nhưng trinh nguyên một hồn thơ. Giờ ngọn Tháp đã hóa thành tro bụi nhưng như ngọn cỏ tàn đến tiết lại trồi lên. Hồn thi sĩ giờ siêu thoát tận cõi cao xanh nhưng đâu đây vẫn còn vang vọng giọng trầm buồn : Anh đẽo tâm hồn thành con rối để yêu em – anh hóa gỗ, hóa dây, hóa dại khờ, ngũ sắc – tuồng tích ấy chú rối mình đủ khóc – cần chi bàn tay nào đến giật giật dây thêm – anh rối nước muốn lên bờ thành rối cạn – em đi xa, ao thương nhớ hóa đầy – anh đứng giữa lệ mình trơ vơ không dám khóc – vui nỗi gì khán giả vỗ ran tay?


TRẦN NGỌC TUẤN


Ghi chú : những chữ in nghiêng được trích từ thơ của nhà thơ Chế Lan Viên

Thứ Tư, 6 tháng 4, 2011

TRẦN NGỌC TUẤN : VĂN CAO - XANH LÁ THIÊN THAI







VĂN CAO – XANH LÁ THIÊN THAI




Tự nhận mình như chiếc lá trôi theo dòng suối, để rồi đến mùa gió Nam thổi, thi sĩ lại đi theo những chiếc lá phiêu du…Một cuộc phiêu du không mệt mỏi vượt qua bao thác ghềnh nghiệt ngã, oan khiên; vượt qua bao ngọn sóng thờ ơ, ngộ nhận…Thi sĩ không bận tâm đến những lời tụng xưng ca ngợi, những băng rôn chào đón, những cờ hoa hộ tống , những thảm đỏ rải đường…Khát vọng duy nhất của thi sĩ là : nước ngọt của ngàn sông – bao giờ đổ đầy lòng biển…




Thi sĩ sinh ra đã có Hải Phòng – sân nhà mới trồng cây mận – bãi sú bồi thành bến – nhà máy xi măng đã dựng bên sông… Hải Phòng với những cuộc đời chỉ thấy rơi nước mắt – chỉ nghe tiếng thở dài – buồn của những ngày bếp không đỏ lửa…Thi sĩ gửi hồn phiêu du qua Kinh Bắc thương nhớ mẹ già trong một ngày ốm nằm trong quán trọ, trông qua song cửa: trời vàng úamấy lá bàng rơi nhắc nhở thu ! – chiều ốm cũng đang chầm chậm xuống – sương mù chìm lẫn lá vàng thưa… Trong một đêm đàn lạnh trên sông Huế, thi sĩ dạo khúc thu xa trong nỗi u hoài ngân lên từ giọng hát sầu chi phấn nữ ơi – từng canh trời điểm một sao rơi – tà tà trăng lặn hiu hiu gió – ánh lửa chài xa thấp thoáng trôi…Trong những ngày tháng thanh bình thi sĩ dạo quanh Qui Nhơn như đứa nhỏ yêu huyền thoại, bất chợt nhận ra : từ trời xanh – rơi – vài giọt Tháp Chàm…




Nhưng có lẽ Hà Nội, mảnh đất thiêng quê Việt là nơi chốn mà thi sĩ dành nhiều ưu tư nhất về trầm luân kiếp người, về tồn vong dân tộc, về thân phận thi sĩ … Hà Nội, nạn đói 1945 với chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc : ngã tư nghiêng nghiêng xe xác – đi vào ngõ tối Công Yênchiếc quỷ xa qua bốn ngã ê chề - chở vạn kiếp đi hoang ra khỏi vực … Hà Nội, ngoại ô mùa đông 1946 với : phường cũ tan tành vùi xóm lá – mùa xuân về giữa chiến hào xa… Hà Nội với năm buổi sáng không có trong sự thật như năm dấu chấm than cho những câu chuyện buồn : buổi sáng nay cả phố phường như mở hội – mọi con người đeo mặt nạ đi chơi…Hà Nội với đôi mắt em như hai giếng nước…




Thi sĩ theo những chiếc lá phiêu du ra tới biển. Khi gặp được biển, màu xanh không còn riêng của lá. Lá có thể mục rã nhưng màu xanh thì hòa vào vô tận. Giữa màu xanh bất tận, tiếng lá thì thầm giai điệu Thiên Thai : thời gian qua kẽ tay – làm úa những chiếc lá – kỷ niệm trong tôi – rơi như tiếng sỏi – trong lòng giếng cạn – chỉ những câu thơ là vẫn còn xanh – chỉ những bài hát là vẫn còn xanh…






TRẦN NGỌC TUẤN






Ghi chú : những chữ in nghiêng được trích từ thơ của nhạc sĩ, nhà thơ Văn Cao

Chủ Nhật, 3 tháng 4, 2011

TRẦN NGỌC TUẤN : NGUYỄN BÍNH - CÁNH BƯỚM MANG HỒN QUÊ ĐẤT VIỆT







NGUYỄN BÍNH – CÁNH BƯỚM MANG HỒN QUÊ ĐẤT VIỆT




Cánh bướm bay qua làng quê nước Việt, ở đó có nương dâu xanh, chiếc cầu ao, mái rạ - cô gái làng gội tóc nước hương nhu…Ở đó có giếng thơi mưa ngập nước tràn – ba gian đầy cả ba gian nắng chiều…Cánh bướm bay qua sông quê có chiếc thuyền nằm trên cát mịn – có đàn trâu trắng lội qua sông – có cô thợ nhuộm về ăn tết – sương nắng đường xa rám má hồng… xa xa rừng mơ hiu hắt lá mơ rơi… Cánh bướm đồng hành cùng con cò bay lả trong câu hát – giấc ngủ say dài nhịp võng ru … đâu đây thong thả dân gian nghỉ việc đồng – lúa thì con gái mượt như nhung – đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng… Cánh bướm bay qua vườn chanh để tự nhận ra mình : hoa chanh nở giữa vườn chanh – thầy u mình với chúng mình chân quê…




Cánh bướm hơn một lần làm nhân chứng : trên đường cát mịn một đôi cô – yếm đỏ khăn thâm trẩy hội chùa – gậy trúc dắt bà già tóc bạc – tay lần tràng hạt miệng nam mô…Cánh bướm đồng cảm với duyên phận éo le lỡ bước sang ngang : đêm qua mưa gió đầy trời – trong hồn chị có một người đi qua – em về thương lấy mẹ già – đừng mong ngóng chị nữa mà uổng công – chị giờ sống cũng bằng không – coi như chị đã sang sông đắm đò…




Cánh bướm hóa thân thành cánh buồm trong cuộc viễn du tưởng chừng bất tận : hôm nay dưới bến xuôi đò – thương nhau qua cửa tò vò nhìn nhau – anh đi đấy, anh về đâu – cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm…




Cánh bướm phiêu bạt tận rừng xa để cất lời ai oán : đêm dài nghe vượn ru con – ai cha mẹ đó mà non nước này… Dù phải trải qua bao phen gió dập mưa vùi nhưng cánh bướm vẫn nguyên trinh một tấm lòng chung thủy : sao đặc trời cao sáng suốt đêm – sao đêm chung sáng chẳng chia miền – trời còn có bữa sao quên mọc – tôi chẳng đêm nào chẳng nhớ em.




Cánh bướm là hiện thân của thi sĩ : có ai điên dại như tôi nhỉ ? – nuôi bướm làm con để nhớ người… Trong nỗi cô đơn tay trắng bạn bè đều lánh mặt – sa cơ thân thích cũng coi thường – sông lặng thấy đâu người gọi gió – trăng tà tìm mãi kẻ mài gươm… thi sĩ vẫn nguyên giọng chân quê mà đầy khí phách : những thằng bất nghĩa xin đừng đến – hãy để thềm ta xanh sắc rêu. Thi sĩ chấp nhận bao nhiêu đau khổ ngần này tuổi – chết cũng không oan uổng nỗi gì, nhưng còn những bài thơ… Những bài thơ như hồn trinh còn ở trần gian – nhập vào cánh bướm mà sang bên này… Từng cánh bướm mang hồn quê đất Việt đã và đang báo tin lành không chỉ riêng cho vườn thơ mang hình chữ S .






TRẦN NGỌC TUẤN






Ghi chú : những chữ in nghiêng được trích từ thơ của nhà thơ Nguyễn Bính