Thứ Ba, 11 tháng 10, 2011

TRƯƠNG ĐẠM THỦY : TRONG NGẦN SUỐI REO (ĐỌC THƠ TRẦN NGỌC TUẤN)






TRONG NGẦN SUỐI REO



TRƯƠNG ĐẠM THỦY



(Nhân đọc tập thơ Suối reo, NXB Hội Nhà Văn 2006 của nhà thơ Trần Ngọc Tuấn)



Có một người thơ đã gây ngay ấn tượng nơi tôi dù chỉ mới lần đầu gặp gỡ: nhà thơ Trần Ngọc Tuấn. Anh trao tôi tập thơ Suối reo (NXB Hội Nhà văn) với một nụ cười. Tôi nghĩ: “Anh chàng này xem có vẻ tình tứ lắm, chắc đây là một tập thơ tình thuộc loại lãng mạn”. Nhưng khi mới mở trang đầu tập thơ Suối reo tôi mới biết mình lầm.



Lên đồi Tịnh Độ” là bài thơ đầu tiên như một lời dẫn (thay cho lời tựa) về toàn bộ nội dung của tập thơ. Hóa ra đây là tác phẩm của một… “Con nhà Thiền”. Hèn chi Trần Ngọc Tuấn tặng thơ đi kèm với nụ cười hỉ lạc dường ấy! “Sáng nay lên đồi Tịnh Độ/ Giọt sương tan trên lá xanh/ Trưa nay lên đồi Tịnh Độ/ Nghe cây chuyển nhựa lên cành/ Chiều nay lên đồi Tịnh Độ/ Mây vàng từng áng mong manh/ Tối nay lên đồi Tịnh Độ/ Trăng non đầu núi an lành”. Cõi Tịnh Độ là cõi Tây phương cực lạc, nếu như ai từ sáng đến đêm nhất tâm bất loạn trì niệm, có ngày sẽ được nhìn thấy ao báu, cây báu, lưới báu, chim báu… nơi cõi ấy như lời kinh dạy.



Có lẽ những hành giả chuyên hành pháp môn Tịnh Độ mới thấy được giọt sương tan trên lá, nghe được sự chuyển động của dòng nhựa trong cây, mới nhìn được áng mây vàng phiêu hốt ban chiều, ánh trăng non sáng soi đầu núi…



Cái đẹp hồn nhiên của cuộc sống như sương, như cây, như mây, như trăng… coi vậy mà đâu phải ai cũng nhận ra nếu như cả đời cứ chạy theo tình – tiền – danh – lợi…



Mỗi năm tôi chỉ gặp Trần Ngọc Tuấn một vài lần, có lúc ngồi quán cà phê, cũng có khi lãng đãng phong trần nơi quán bia ta bà. Nhưng hình như Trần NgọcTuấn không phải là trà khách hay tửu khách như bạn bè mà anh đến những nơi đó như một chốn để thể nghiệm bản thân. Có nghĩa là làm sao uống mà không say, nói cười mà không dung tục. “Trăng tự sáng giữa tầng không/ Suối tự chảy giữa mênh mông đất trời/ Kìa ai bất chợt tự cười/ Trái tim tự hát lẽ đời tự nhiên” (Tự nhiên). Có nghĩa là thõng tay vào chợ, thấy thịt ôi, cá ươn mà cũng chẳng sinh lòng đố kỵ, hòa cùng cát bụi mà chẳng đồng với cát bụi. Một khi lòng đã thanh tịnh thì mọi thứ chung quanh đều lung linh một hình ảnh lạ: Có thể thấy trăng giữa ban ngày, suối reo giữa chợ, nghe tiếng cười trong lặng lẽ, tiếng hát từ trái tim bình an…Đó là cảnh giới của Đạo và Thơ.



Cứ mở từng trang thơ, đọc dần dần tới lại thấy chân trời thơ của Trần Ngọc Tuấn dần mở rộng ra mới mẻ hơn, rạng rỡ hơn, tịnh yên hơn… “Chẳng chấp gì bé lớn/ Một mình nghe lặng thinh/ Mây trên đầu luẩn quẩn/ Ông ngồi câu bóng mình” (Ngồi câu). Ngồi câu thì chắc là câu cá. Cá lớn cá bé ai mà biết trước đặng. Nhưng “ông lão” ở đây hình như chẳng hề ôm cần ngồi chờ cá đớp mồi dưới ao bèo mà ông đang câu…những tạp niệm, vọng tưởng của chính mình. Mây trên đầu còn luẩn quẩn thì mây dưới chân cũng luẩn quẩn, bóng mây dù nhợt nhạt vẫn che được trăng sao. Người thơ nầy đang ngồi thanh lọc tâm, thơ hay như bài kệ.



Ưu tư, thắc mắc là tâm trạng của nhân gian. Ưu tư, thắc mắc mà không lý giải được điều mình muốn biết nên phải…hỏi thăm. Hỏi thăm ta có hay không, ta từ đâu đến rồi sẽ đi về đâu, cõi nào? “Hỏi thăm người trốn chơi xa/ Mà sao râu tóc phôi pha bụi trần/Hỏi thăm người biệt giai nhân/ Mà sao nhan sắc tần ngần ngóng trông/ Hỏi thăm người có hay không/ Mà sao chuông vọng âm âm gió mùa”(Hỏi thăm).



Triết lý Phật giáo chảy suốt trong dòng thơ phơi phới của nhà thơ Phật tử Trần Ngọc Tuấn. Có và không- Không và có là những phạm trù bí nhiệm mà con người ít ai thấu đạt được nó. Bởi nghi tình ấy rất dễ làm ta vấn vương tư lự. Có người đi chơi xa không? Có giai nhân từ biệt không? Có ta không? Nếu không thì ai râu tóc phôi pha, ai tần ngần nhan sắc, ai nghe chuông vọng âm âm gió mùa? Còn nếu có thì người ấy, giai nhân ấy và tiếng chuông ấy giờ sao chẳng thấy?



Vẫn vịn vào triết lý có- không lại thấy nhà thơ dấn thân sâu hơn nữa trong cảm xúc trên con đường thơ Thiền bát ngát: “Bạn mới tìm chưa thấy/ bạn cũ ngày thưa dần/ Vui còn đôi cánh bướm/ Vẫn rập rờn trước sân”. Cái sắp tới thì chưa thấy. Cái đã qua thì qua rồi. Cả hai cái tâm vị lai là quá khứ đều không thật. Chính cái hiện tiền, cái bây giờ – ngay – tức – thì mới thật . Đâu phải không có gì là không ngờ, vẫn còn đôi cánh bướm rập rờn ngoài sân đó. Câu thơ nầy gợi nhớ đến câu thơ của thi sĩ – thiền sư Mãn Giác: “Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết/ Sáng nay sân trước một cành mai”.



Thiền mang đến cho nhân sinh một cái nhìn đầy thi vị vào chính cuộc sống nhiều bất trắc của kiếp người. Thiền làm cho cuộc sống thăng hoa. Một đôi bướm đẹp, một đóa hoa thắm sương trước sân, há chẳng là điều hạnh ngộ?



Thong dong tự tại tức là trạng thái của tâm giải thoát. Bài thơ “Trà sớm” sau đây cho thấy Trần Ngọc Tuấn đã đi đến một cung đường mới: “Qua đêm phiền não tan rồi/ Ấm ly trà sớm ta ngồi với ta/ Hiên ngoài vài giọt sương sa/ Tan trên chồi biếc chan hòa nắng mai”. Khi tâm phiền não đã lắng thì niềm hỷ lạc tự hiện. “Lắng nghe gió thoảng qua cây/ Cành non lộc nhú lá bay la đà/ Vội gì sự sự đều qua/ Hai tay nâng một chén trà mừng trăng” (Mừng trăng). Cũng như thế, khi cái tâm mây mờ tan thì trăng tròn đầy tự hiện, trăng có mất đi hồi nào?



Càng về cuối tập thơ người đọc càng thấy Trần Ngọc Tuấn phơi mở cái thế giới nội tâm an lạc của anh: “Đất trời nắng nắng mưa mưa/ Hằng tâm tĩnh lặng mùa mùa an cư” (Niệm). An cư đâu chỉ là ba tháng Hạ? Mưa nắng, nắng mưa là chuyện của đất trời miễn sao tâm vẫn tĩnh lặng thì gió vô thường tự gió, giờ nào, ngày nào, mùa nào ta cũng đều an trú giữa mùa an cư nhàn hạ, vô vi, vô sự…



Thật khó nhận ra Trần Ngọc Tuấn vốn là một nhà doanh nghiệp năng động, có bè bạn khắp bốn phương trời, lịch lãm trong các mối giao tiếp, tiệc tùng, hò hẹn…Vậy mà nay Trần Ngọc Tuấn thôi bia rượu, lỡ có gặp bạn, anh cũng tìm cách để môi thôi chạm điếu thuốc, cốc bia… Sự sôi nổi của anh năm xưa nay gần như biến mất, chỉ còn lại nụ cười hiền hòa để đáp tạ lại sự mời mọc ân cần của anh em. Trần Ngọc Tuấn không khác về con người, vẫn mặt mày ấy, vóc dáng ấy nhưng qua ánh mắt, cử chỉ của anh người đối diện nhận ra anh đang có một cuộc sống nội tâm còn sôi nổi hơn cái cung cách bên ngoài ngày xửa ngày xưa ấy. “Lục bình nở tím dòng thơ/ Đò ngang một chuyến ai chờ qua sông (Qua sông). “Qua sông” như thuật ngữ của Phật giáo là chỉ sự giác ngộ, sự thức tỉnh, sự chuyển hóa từ một thực tại này sang một thực tại khác. Trần Ngọc Tuấn “Tự bạch” về một thực tại của riêng anh, một thực tại mà chỉ một mình anh biết một mình anh hay. Một bài thơ khác, bài “Người về với thơ”: Mừng người về lại với ta/ Bao phen nắng tưới mưa sa mịt mờ/ Mừng người lại về với thơ/ Hồn nhiên câu chữ ngu ngơ điệu vần/ Mừng người về lại chân thân/ Một dòng nước lặng trong ngần suối reo”. Mừng điều gì, có gì mới mẻ chăng? Không. Chỉ mừng cái sự tái ngộ lại cái ban đầu, cái “bản lai diện mục” của chính mình, cái hồn nhiên tĩnh lặng của thuở ban sơ. Đó là tiếng reo trong ngần trong dòng suối tâm thức của một người đã tự tri, tự tại, tự do trong cõi vô thường…

TRƯƠNG ĐẠM THỦY