Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

TRẦN NGỌC TUẤN : MÙA XUÂN MÂY TRẮNG



Cõi an bình Má thong dong mây trắng
Cháu con về sum họp giữa xuân sang
Như biết trước nỗi lòng con hoang vắng
Má hóa mùa xuân. Má hóa mai vàng.

TNT

Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2011

Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2011

TRẦN NGỌC TUẤN : VŨ TRỌNG QUANG - TRÊN CON ĐƯỜNG THÊNH THANG MỚI


   

VŨ TRỌNG QUANG – TRÊN CON ĐƯỜNG THÊNH THANG MỚI


     Trong nổ lực đi tìm nơi chốn mới cho thơ an cư, thi sĩ không ngần ngại vẫy tay chào chia tay tôi hôm qua – trở lại làm gì con đường mòn xưa cũ; thi sĩ không hề hối tiếc khi dấn thân trên con đường thênh thang mới – ngôn ngữ quay trong không gian nhiều chiều vì đã nhận ra rằng: cho dù có nhiều bàn tay trăm tuổi đẩy từ phía sau lưng cũng không thể nào nâng bước con ngựa thơ với bàn chân mỏi tiến lên phía trước được.

     Trên con đường thênh thang mới, thi sĩ chạm mặt một Trương Chi khác; một Trương Chi sống thường xuyên bằng nghi vấn; một Trương Chi cô đơn thức thường xuyên cùng chiêm bao một mình; một Trương Chi tuyệt vọng phải tạm tin vào kiếp khác; một Trương Chi lạc giọng với khúc nhã ca khác: hân hoan gì tình yêu mà chờ đợi; một Trương Chi thèm một lời vỗ về giả dối; một Trương Chi buồn như không thể buồn hơn…

     Trên con đường thênh thang mới, nguồn sinh lực tiềm ẩn của thi sĩ được khơi dậy bởi màu xanh của biển, bởi hồn nhiên trong mắt nàng tuổi trẻ, bởi hào hứng của sự khởi đầu… Thi sĩ yên lòng trở lại xứ sở quê nhà để gặp Mẹ ngồi đan thời gian thành chiếc áo sông dài núi cao biển vô tận – hết thảy con đường thanh xuân – mũi kim lần theo mệnh số… Thi sĩ yên lòng trở lại xứ sở quê nhà để nhận biết: Người hiện hữu giữa trần ai bằng sự vắng bóng – mưa rơi dịu dàng lặng lẽ vào bình minh

     Trên con đường thênh thang mới, thi sĩ chợt bừng ngộ: Sao cứ phải là con tin của nhau? Và một cuộc tìm kiếm mới lại bắt đầu…


Ghi chú : những chữ in nghiêng được trích từ thơ của nhà thơ Vũ Trọng Quang


TRẦN NGỌC TUẤN

Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

TRẦN NGỌC TUẤN : LỜI THỀ HOÀNG SA




Lý Sơn cát trắng sóng lừng
Thiêng liêng mộ gió nghìn trùng tái tê
Tháng hai còn Lễ Khao lề
Đinh ninh còn đó lời thề Hoàng Sa …

TRẦN NGỌC TUẤN 

Thứ Năm, 24 tháng 11, 2011

TRẦN NGỌC TUẤN : NGUYÊN SA - TRONG MÀU ÁO TƯƠNG TƯ


    
       NGUYÊN SA – TRONG MÀU ÁO TƯƠNG TƯ


     Màu áo tương tư có thể là màu hoa học trò trong sân trường thẹn thò, bỡ ngỡ : Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc – áo nàng xanh tôi mến lá sân trường – sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương – tôi thay mực cho vừa màu áo tím

     Màu áo tương tư có thể là màu lụa trắng trong một ngày mà mùa thu dài lắm ở chung quanh : Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát – bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông – anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng – thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng…

     Màu áo tương tư có thể là màu mây trắng trong một chiều thu nhè nhẹ heo may : Có phải em mang trên áo bay – hai phần gió thổi một phần mây – hay là em gói mây trong áo – rồi thở cho làn áo trắng bay?

     Màu áo tương tư có thể là màu sương mù trong một sáng xuân Paris diễm lệ : Paris có gì lạ không em? – mai anh về giữa bến sông Seine – anh về giữa một dòng sông trắng – là áo sương mù hay áo em?

     Màu áo tương tư huyền ảo trong một lần tiễn biệt : Người về lòng tôi buồn hay lòng tôi vui – áo không có màu nên áo cũng chưa phai – tôi muốn hỏi thầm người, rất nhẹ : - tôi đưa người hay tôi đưa tôi?



TRẦN NGỌC TUẤN

Ghi chú : những chữ in nghiêng được trích từ thơ của nhà thơ Nguyên Sa 

Thứ Ba, 11 tháng 10, 2011

TRƯƠNG ĐẠM THỦY : TRONG NGẦN SUỐI REO (ĐỌC THƠ TRẦN NGỌC TUẤN)






TRONG NGẦN SUỐI REO



TRƯƠNG ĐẠM THỦY



(Nhân đọc tập thơ Suối reo, NXB Hội Nhà Văn 2006 của nhà thơ Trần Ngọc Tuấn)



Có một người thơ đã gây ngay ấn tượng nơi tôi dù chỉ mới lần đầu gặp gỡ: nhà thơ Trần Ngọc Tuấn. Anh trao tôi tập thơ Suối reo (NXB Hội Nhà văn) với một nụ cười. Tôi nghĩ: “Anh chàng này xem có vẻ tình tứ lắm, chắc đây là một tập thơ tình thuộc loại lãng mạn”. Nhưng khi mới mở trang đầu tập thơ Suối reo tôi mới biết mình lầm.



Lên đồi Tịnh Độ” là bài thơ đầu tiên như một lời dẫn (thay cho lời tựa) về toàn bộ nội dung của tập thơ. Hóa ra đây là tác phẩm của một… “Con nhà Thiền”. Hèn chi Trần Ngọc Tuấn tặng thơ đi kèm với nụ cười hỉ lạc dường ấy! “Sáng nay lên đồi Tịnh Độ/ Giọt sương tan trên lá xanh/ Trưa nay lên đồi Tịnh Độ/ Nghe cây chuyển nhựa lên cành/ Chiều nay lên đồi Tịnh Độ/ Mây vàng từng áng mong manh/ Tối nay lên đồi Tịnh Độ/ Trăng non đầu núi an lành”. Cõi Tịnh Độ là cõi Tây phương cực lạc, nếu như ai từ sáng đến đêm nhất tâm bất loạn trì niệm, có ngày sẽ được nhìn thấy ao báu, cây báu, lưới báu, chim báu… nơi cõi ấy như lời kinh dạy.



Có lẽ những hành giả chuyên hành pháp môn Tịnh Độ mới thấy được giọt sương tan trên lá, nghe được sự chuyển động của dòng nhựa trong cây, mới nhìn được áng mây vàng phiêu hốt ban chiều, ánh trăng non sáng soi đầu núi…



Cái đẹp hồn nhiên của cuộc sống như sương, như cây, như mây, như trăng… coi vậy mà đâu phải ai cũng nhận ra nếu như cả đời cứ chạy theo tình – tiền – danh – lợi…



Mỗi năm tôi chỉ gặp Trần Ngọc Tuấn một vài lần, có lúc ngồi quán cà phê, cũng có khi lãng đãng phong trần nơi quán bia ta bà. Nhưng hình như Trần NgọcTuấn không phải là trà khách hay tửu khách như bạn bè mà anh đến những nơi đó như một chốn để thể nghiệm bản thân. Có nghĩa là làm sao uống mà không say, nói cười mà không dung tục. “Trăng tự sáng giữa tầng không/ Suối tự chảy giữa mênh mông đất trời/ Kìa ai bất chợt tự cười/ Trái tim tự hát lẽ đời tự nhiên” (Tự nhiên). Có nghĩa là thõng tay vào chợ, thấy thịt ôi, cá ươn mà cũng chẳng sinh lòng đố kỵ, hòa cùng cát bụi mà chẳng đồng với cát bụi. Một khi lòng đã thanh tịnh thì mọi thứ chung quanh đều lung linh một hình ảnh lạ: Có thể thấy trăng giữa ban ngày, suối reo giữa chợ, nghe tiếng cười trong lặng lẽ, tiếng hát từ trái tim bình an…Đó là cảnh giới của Đạo và Thơ.



Cứ mở từng trang thơ, đọc dần dần tới lại thấy chân trời thơ của Trần Ngọc Tuấn dần mở rộng ra mới mẻ hơn, rạng rỡ hơn, tịnh yên hơn… “Chẳng chấp gì bé lớn/ Một mình nghe lặng thinh/ Mây trên đầu luẩn quẩn/ Ông ngồi câu bóng mình” (Ngồi câu). Ngồi câu thì chắc là câu cá. Cá lớn cá bé ai mà biết trước đặng. Nhưng “ông lão” ở đây hình như chẳng hề ôm cần ngồi chờ cá đớp mồi dưới ao bèo mà ông đang câu…những tạp niệm, vọng tưởng của chính mình. Mây trên đầu còn luẩn quẩn thì mây dưới chân cũng luẩn quẩn, bóng mây dù nhợt nhạt vẫn che được trăng sao. Người thơ nầy đang ngồi thanh lọc tâm, thơ hay như bài kệ.



Ưu tư, thắc mắc là tâm trạng của nhân gian. Ưu tư, thắc mắc mà không lý giải được điều mình muốn biết nên phải…hỏi thăm. Hỏi thăm ta có hay không, ta từ đâu đến rồi sẽ đi về đâu, cõi nào? “Hỏi thăm người trốn chơi xa/ Mà sao râu tóc phôi pha bụi trần/Hỏi thăm người biệt giai nhân/ Mà sao nhan sắc tần ngần ngóng trông/ Hỏi thăm người có hay không/ Mà sao chuông vọng âm âm gió mùa”(Hỏi thăm).



Triết lý Phật giáo chảy suốt trong dòng thơ phơi phới của nhà thơ Phật tử Trần Ngọc Tuấn. Có và không- Không và có là những phạm trù bí nhiệm mà con người ít ai thấu đạt được nó. Bởi nghi tình ấy rất dễ làm ta vấn vương tư lự. Có người đi chơi xa không? Có giai nhân từ biệt không? Có ta không? Nếu không thì ai râu tóc phôi pha, ai tần ngần nhan sắc, ai nghe chuông vọng âm âm gió mùa? Còn nếu có thì người ấy, giai nhân ấy và tiếng chuông ấy giờ sao chẳng thấy?



Vẫn vịn vào triết lý có- không lại thấy nhà thơ dấn thân sâu hơn nữa trong cảm xúc trên con đường thơ Thiền bát ngát: “Bạn mới tìm chưa thấy/ bạn cũ ngày thưa dần/ Vui còn đôi cánh bướm/ Vẫn rập rờn trước sân”. Cái sắp tới thì chưa thấy. Cái đã qua thì qua rồi. Cả hai cái tâm vị lai là quá khứ đều không thật. Chính cái hiện tiền, cái bây giờ – ngay – tức – thì mới thật . Đâu phải không có gì là không ngờ, vẫn còn đôi cánh bướm rập rờn ngoài sân đó. Câu thơ nầy gợi nhớ đến câu thơ của thi sĩ – thiền sư Mãn Giác: “Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết/ Sáng nay sân trước một cành mai”.



Thiền mang đến cho nhân sinh một cái nhìn đầy thi vị vào chính cuộc sống nhiều bất trắc của kiếp người. Thiền làm cho cuộc sống thăng hoa. Một đôi bướm đẹp, một đóa hoa thắm sương trước sân, há chẳng là điều hạnh ngộ?



Thong dong tự tại tức là trạng thái của tâm giải thoát. Bài thơ “Trà sớm” sau đây cho thấy Trần Ngọc Tuấn đã đi đến một cung đường mới: “Qua đêm phiền não tan rồi/ Ấm ly trà sớm ta ngồi với ta/ Hiên ngoài vài giọt sương sa/ Tan trên chồi biếc chan hòa nắng mai”. Khi tâm phiền não đã lắng thì niềm hỷ lạc tự hiện. “Lắng nghe gió thoảng qua cây/ Cành non lộc nhú lá bay la đà/ Vội gì sự sự đều qua/ Hai tay nâng một chén trà mừng trăng” (Mừng trăng). Cũng như thế, khi cái tâm mây mờ tan thì trăng tròn đầy tự hiện, trăng có mất đi hồi nào?



Càng về cuối tập thơ người đọc càng thấy Trần Ngọc Tuấn phơi mở cái thế giới nội tâm an lạc của anh: “Đất trời nắng nắng mưa mưa/ Hằng tâm tĩnh lặng mùa mùa an cư” (Niệm). An cư đâu chỉ là ba tháng Hạ? Mưa nắng, nắng mưa là chuyện của đất trời miễn sao tâm vẫn tĩnh lặng thì gió vô thường tự gió, giờ nào, ngày nào, mùa nào ta cũng đều an trú giữa mùa an cư nhàn hạ, vô vi, vô sự…



Thật khó nhận ra Trần Ngọc Tuấn vốn là một nhà doanh nghiệp năng động, có bè bạn khắp bốn phương trời, lịch lãm trong các mối giao tiếp, tiệc tùng, hò hẹn…Vậy mà nay Trần Ngọc Tuấn thôi bia rượu, lỡ có gặp bạn, anh cũng tìm cách để môi thôi chạm điếu thuốc, cốc bia… Sự sôi nổi của anh năm xưa nay gần như biến mất, chỉ còn lại nụ cười hiền hòa để đáp tạ lại sự mời mọc ân cần của anh em. Trần Ngọc Tuấn không khác về con người, vẫn mặt mày ấy, vóc dáng ấy nhưng qua ánh mắt, cử chỉ của anh người đối diện nhận ra anh đang có một cuộc sống nội tâm còn sôi nổi hơn cái cung cách bên ngoài ngày xửa ngày xưa ấy. “Lục bình nở tím dòng thơ/ Đò ngang một chuyến ai chờ qua sông (Qua sông). “Qua sông” như thuật ngữ của Phật giáo là chỉ sự giác ngộ, sự thức tỉnh, sự chuyển hóa từ một thực tại này sang một thực tại khác. Trần Ngọc Tuấn “Tự bạch” về một thực tại của riêng anh, một thực tại mà chỉ một mình anh biết một mình anh hay. Một bài thơ khác, bài “Người về với thơ”: Mừng người về lại với ta/ Bao phen nắng tưới mưa sa mịt mờ/ Mừng người lại về với thơ/ Hồn nhiên câu chữ ngu ngơ điệu vần/ Mừng người về lại chân thân/ Một dòng nước lặng trong ngần suối reo”. Mừng điều gì, có gì mới mẻ chăng? Không. Chỉ mừng cái sự tái ngộ lại cái ban đầu, cái “bản lai diện mục” của chính mình, cái hồn nhiên tĩnh lặng của thuở ban sơ. Đó là tiếng reo trong ngần trong dòng suối tâm thức của một người đã tự tri, tự tại, tự do trong cõi vô thường…

TRƯƠNG ĐẠM THỦY

Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2011

TRẦN NGỌC TUẤN : NGUYỄN TRỌNG TẠO - NGỒI HÁT ĐỒNG DAO









NGUYỄN TRỌNG TẠO – NGỒI HÁT ĐỒNG DAO

Thi sĩ bất chợt xuất hiện như một khóa sol trên năm dòng kẻ. Những nốt nhạc trên năm dòng kẻ du dương như năm ngọn gió, như năm cánh sóng phập phồng mơn man. Những nốt nhạc trên năm dòng kẻ trầm buồn như năm bài ví dụ… Khởi đầu: gửi em điểm hẹn không tên – người lên đỉnh ngọ bỏ quên bóng mình… Tiếp theo: có nàng thục nữ phòng không – ngó qua cửa khép hoa hồng thơm chay… Rồi đến: cho anh một mảnh trời xanh – trời thành hồ biếc anh thành cù lao… Thêm nữa: con đường từ ghét đến yêu – đỏ đen sấp ngửa liêu phiêu một đời… Và cuối cùng: có nàng lạ lạ quen quen – mở thơ anh đọc rồi quên qua đò…

Thi sĩ bất chợt xuất hiện như gã nhà quê ngác ngơ giữa phố nghêu ngao mấy khúc đồng dao cho người lớn: có con người sống mà như qua đời – có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi… Thi sĩ lang thang, đơn độc – bước trên đường Không Tên; có không một nàng Hạnh Phúc - ở số nhà Lãng Quên lắng nghe thi sĩ hát mấy khúc sonnê buồn? Chia cho em một đời tôi – một cay đắng, một niềm vui, một buồn…Chia cho em một đời say – một cây si, với, một cây bồ đề…Chia cho em một đời thơ – một lênh đênh, một dại khờ, một tôi…

Thi sĩ bất chợt xuất hiện giữa làng quan họ như một liền anh thấy đẹp là mê – thấy ghen là sợ thấy quê là nhà. Sau phút giây giã bạn, thi sĩ không quên: ước chi đến hẹn người ơi…dẫu mơ hồ biết rằng ngày mai: Em bỏ tôi đi dằng dặc mùa đông – Tôi tìm gầy guộc gặp em bạc lòng.

Thi sĩ xuất hiện như một gã biết chơi; chơi đến tận cùng ý tưởng, chơi đến quên hết mọi rủi ro thường nhật…Thật ra cuộc đời cũng là một cuộc chơi, cuộc chơi sinh tử. Với tâm thế: Ngoài kia trời đất giao thân – Tôi còn mắc nợ giai nhân một đời và hơn thế nữa: Ở trên cao biết mình là con nợ - Khi nước dưới đất nâu thương nhớ chảy lên trời, thi sĩ nương thân vào cõi tạm mà chơi, chơi đến giọt cuối cùng…

TRẦN NGỌC TUẤN

*Ghi chú: những chữ in nghiêng được trích từ thơ của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo

Thứ Hai, 29 tháng 8, 2011

TRẦN NGỌC TUẤN : TRẦN NINH HỒ - KIẾP NGƯỜI THẤP THOÁNG TRĂM NĂM






TRẦN NINH HỒ - KIẾP NGƯỜI THẤP THOÁNG TRĂM NĂM

Thi sĩ xuất hiện như một điềm lành. Đọc thông điệp thơ để mà buồn vui, để mà ngẫm ngợi : Một ngày thu cho ánh vàng thức dậy – ôi ánh vàng thức dậy một đời cây! . Một ngày thu, một đời cây hay một kiếp người ! CHÂN – THIỆN – MỸ là khát vọng thường trực khi thi sĩ hành hương về ngôi đền thơ linh thiêng. Trong cuộc hành hương ấy đôi khi thi sĩ chạm tới cõi vật chất để nhận ra : hình như là tiếng sáo – sinh ra trước mũi tên – hình như là ngọn giáo – sinh ra sau cây đàn; chạm tới cõi tâm linh để sững sờ: thời gian trôi kiếp lục bình – từ hồng hoang chẳng biết mình về đâu. Về đâu? Về với cõi trần thế đếm đong còn mất hay về với cõi thơ như hồng ngọc sâu trong đất? Đi đâu? Về đâu? Đi từ cuộc đời này và nơi đến cũng cuộc đời này để đau thương và hạnh phúc, để chợt nhớ một thời thơ – chưa kịp viết đã cũ – chợt nhớ những chồng vợ - không một ngày tình nhân…



Trên con đường dấn thân ấy đôi khi bói nhầm quả - giờ nhiều tinh dầu lạ - có cất từ hoa đâu! . Nhận chân thế là đủ giữa cuộc đời rất đẹp nhưng cũng rất đỗi gập ghềnh này để rồi thao thức: bôi và xóa mãi rồi ta đâu biết – giấy như mây trắng lắm phía chân trời. Cõi nhân sinh này sao mà khốc liệt đến vậy: chừng khiếp sợ trước phụng thờ quá cỡ - những đóa hồng nhợt nhạt giữa trầm hương; nhưng may mắn quá còn một Vầng Thúy đó – một vầng trăng hóa đá đợi ta về. Vầng Thúy, Núi Thúy hay Núi Thơ cũng là một thôi mà! Về núi để mà chi? Để đề thơ trên đá hay để hát nghêu ngao: buồn như lau cũng một thuở làm cờ

TRẦN NGỌC TUẤN

*Ghi chú : những chữ in nghiêng được trích từ thơ của nhà thơ Trần Ninh Hồ

Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2011

PHẠM QUANG TRUNG : ĐỌC THƠ TRẦN NGỌC TUẤN






ĐỌC THƠ TRẦN NGỌC TUẤN

PHẠM QUANG TRUNG

Trần Ngọc Tuấn là một cử nhân kinh tế. Tưởng anh suốt ngày bị những con số ám ảnh, những tính toán dẫn dắt, chả thể nghĩ và làm được điều gì khác. Hóa ra không phải thế. Anh đã vượt qua bao ngáng trở, thách thức trong tư duy, trong phận sự để trở thành một nhà thơ – nhà thơ đúng nghĩa theo thiên hướng, theo số phận. Hành trang thơ anh mang theo cho đến nay kể cũng kha khá. Chưa tính những tập in chung, bốn tập thơ riêng ngay ngắn đã chào đời. Đó là Giác quan biển (1994), Giữa cỏ (1996), Chân chim hóa thạch (1998), Con mắt dã quỳ (2000). Cứ đều đặn hai năm một tập, sức viết cũng chẳng thua kém ai.
Anh khởi nghiệp ở Biên Hòa. Nhiều cây bút như Trương Nam Hương, Lương Định, Cao Xuân Sơn… cũng từng đi những bước đầu tiên trong sự nghiệp của mình ở xứ này, để rồi hòa nhập vào thi đàn một cách khá chững chạc đường hoàng. Rồi kẻ trước người sau, vì những nguyên do khác nhau, họ lần lượt rời dòng sông Đồng Nai ra đi, nhưng lòng họ thì tôi biết, luông đằm mình trong dòng sông thân thương ấy. Trụ lại đến giờ, về thơ, nổi lên là Đàm Chu Văn và Trần Ngọc Tuấn.
Những con chim trốn rét đã bay rồi
Để mùa đông ở lại

Dòng sông trôi
Trôi mãi
Biết đâu là mênh mông
Trong một bài thơ Đàm Chu Văn viết tặng Trần Ngọc Tuấn, tôi đọc được đoạn ấy. Đàm Chu Văn như tự nói với chính mình. Hướng tới bạn mà nói. Thế là tôi lần tìm đến thơ các anh để đọc, với mong mỏi tìm hiểu về một vùng thơ. Trước hết là thơ Trần Ngọc Tuấn.

1- CHO TÂM THANH BẠCH GIỮA MIỀN PHÙ HOA

Trần Ngọc Tuấn sống ở một trong những trung tâm công nghiệp lớn vào bậc nhất nước.Nhịp sống phố phường nhân lên bởi nhịp sống công nghiệp. Sôi động và năng động. Con người dễ bị cuốn theo dòng chảy của nó. Đôi khi ta không khỏi ngơ ngác trước sự đổi thay đến chóng mặt của đời thường:
Hỏi em – Em đã đi rồi
Hỏi nhà – Đổi chủ
Hỏi người – Người quên
Hỏi đường – Đường mới thay tên
Hỏi cây – Cây đứng lặng nhìn xa xôi
Câu kết của bài thơ thảng thốt đến rợn người: Hay tôi đã hóa ai rồi? Hoài nghi sự tồn tại của mình, còn gì bi thảm hơn thế? Bởi vậy, tôi có thể hiểu được nỗi cô đơn của một người nhạy cảm như anh:
Xòe năm ngón cô đơn
Che mái đầu phiền muộn
Năm ngón như sao trời
Soi hồn ta lốm đốm
Đừng có e ngại. Ý thức được nỗi cô đơn là sẽ biết cách để chế ngự được nó. Nhưng sao cứ thấy xót xa làm vậy! Bởi chế ngự được nỗi cô đơn mà không buông mình, mất mình giữa dòng đời trôi nổi mới là chỗ cần phải đến. Xem kìa, có người không chịu nổi, đã hóa điên: Có một gã điên / Ra sông uống nước / Phố phường thờ ơ / Thân quen ơ hờ / May còn dòng sông / Hiểu gã lơ mơ… Vâng, may còn dòng sông. Tôi có nhiều dịp hàn huyên cùng bạn văn ở Biên Hòa. Hoặc là về chiều, hoặc là về đêm.Và bao giờ cũng thế, ngay cạnh dòng sông ấy:
Bóng hoa một thoáng vờn chân
Sông bần thần chảy, nắng ngần ngừ tan.

Mỗi khi nhớ về các bạn ở Sông Phố, tôi lại ngâm nga bài Những buổi chiều bên sông Đồng Nai của Trần Ngọc Tuấn. Nhớ nhất là câu:
Người lơ ngơ giữa mây trời
Tôi cơn gió lạ không mời mà sang
.
Tôi nhận ra ngay dáng lơ ngơ đáng yêu của chính anh chứ đâu phải của người khác. Riêng cơn gió lạ thì không sai, đúng là anh rồi! Cũng rất đúng với những tâm hồn nghệ sĩ như anh. Tôi cứ bần thần tự hỏi, thành phố Biên Hòa sẽ ra sao nếu không có dòng sông êm đềm kia, và cả những cơn gió lạ này nữa – cơn gió thổi đến từ thơ ca, do chính thơ ca đem lại. Anh có lý để viết:
Ẩn mình trong cõi thiên nhiên
Lặng thầm gửi đóa trinh nguyên cho đời.
Người ta thường ưa thích những gì mình không có hay mình còn thiếu. Giữa đô thành náo nhiệt, cảnh trí thiên nhiên là cái thiếu nhất. Để tìm được sự bình lặng về tinh thần, ta phải tìm đến núi sông, trăng hoa, cây cỏ… Tôi biết vì lẽ gì mà Trần Ngọc Tuấn lại đặt tên tập thơ thứ 2 của mình là Giữa cỏ với lời đề từ:
Có những giấc mơ hóa bướm
Tôi chỉ mong là cỏ dưới chân đèo
.
Rồi ngay việc chọn tên cho tập thơ mới nhất, anh cũng đã tìm đến Con mắt dã quỳ, với tuyên ngôn thể hiện một xác tín không kém:
Biết thân hoa dại bên đình
Cũng xin vắt kiệt hồn mình mà thơm

Chớ cho là tầm thường, cái thân phận của cỏ dại, hoa dại. Cách đây vài tháng, tôi được hưởng một hạnh phúc bất ngờ khi đắm mình trong phòng trưng bày 110 bức ảnh nghệ thuật về hoa dại của nghệ sĩ nhiếp ảnh MPK. Ở thành phố tôi ở, chả ai lạ gì cái anh chàng suốt ngày lang thang khắp ngóc ngách của Đà Lạt. Anh đi săn lùng cái đẹp, những cái đẹp nhỏ nhoi, dễ bị bỏ qua trong con mắt của người đời. Với Trần Ngọc Tuấn, chắc chắn còn thêm những nguyên cớ khác. Nếu không sao anh lại có thể viết:
Lạy hừng đông tới đêm tàn
Có nghe tôi lạy giữa miền cỏ ru
Nguyên cớ ấy có lẽ nằm ở câu mở đầu:
Lạy em giũ sạch muộn phiền
Cho tâm thanh bạch giữa miền phù hoa
Tôi còn tìm thấy trong câu thơ khác ở bài thơ Nhớ thị thành:
Ai thiền định giữa phù hoa?
Ai đang đốn ngộ? Ai sa bụi lầm?
Tâm có trong sạch mới có thể tĩnh tâm mà cảm nhận được những cái mong manh vô thường dễ biến mất như ánh trăng này:
Trăng leo qua đỉnh Tháp Chàm
Gió ơi gió… nhẹ, kẻo làm trăng rơi!

Hay dễ bay như mưa bụi kia:
Mỏi gót về ngồi bên Thành Nội
Cụng ly cùng mưa bụi Hoàng Cung
Anh sung sướng đến đê mê khi qua đêm bên Suối Lồ Ồ, là bởi:
Bôn ba qua xứ muộn phiền
Mấy khi thỏa giấc giữa miển cỏ hoa

Quả đúng là xứ tiên giữa cõi trần. Phải là một người từng bị bụi hồng bao phủ như anh mới thấm thía được nỗi thanh thản nhường ấy.

2 – PHIÊU DU TÀI TỬ ĐA ĐOAN KHỐI TÌNH

Đây là câu thơ Trần Ngọc Tuấn viết về thi sĩ Tản Đà mà sao tôi nghe như anh đang biểu hiện chính con người mình. Nghĩ về anh, và cả về thơ anh, chừng như không thể nghĩ khác. Ngày bận rộn bao chuyện cơm áo đời thường, anh thức cùng đêm. Những câu thơ bừng sáng : Đêm / chữ thắp lửa / lóe trang / bập bùng. Tâm hồn anh như hoa quỳnh ngậm nắng để có thể bừng sương vào đêm vắng. Tìm đến thơ hay, cái hay của thứ thơ đích thực kia, anh biết chẳng dễ dàng gì. Nhất là giữa lúc này :
Chợ văn sớm nắng chiều mưa
Mua danh dơ dáng, dạ thưa dại hình

Chỉ những ai nguyện sống chết với nghề thì mới ngổn ngang trong lòng trước chợ trời văn chương, chữ nghĩa đến thế. Và tôi nghĩ là Trần Ngọc Tuấn đã tìm được câu trả lời xác đáng :
Thơ như điệu múa ẩn mình trong đá
Nghìn năm không xóa nổi nét tay run
Người ta hay nói tới khả năng lạ hóa của thi sĩ. Hóa lạ mọi thứ để tay run. Muốn được vậy, anh phải biết lắng nghe tiếng nói của lòng mình, khi được thật sự là mình.Trần Ngọc Tuấn Tự vấn một cách chân thực: Sông mải miết / Mơ giấc mơ biển cả / Khi là biển rồi / Sông có là sông?. Vận vào mình, anh viết tiếp: Tôi lênh đênh / Mơ ngày cập bến / Khi cập bến rồi / Tôi có là tôi? . Tìm được mình rồi, lại phải lo giữ mình nữa chứ. Nhưng trước hết và trên hết là nỗi lo sợ chính đáng này:
Ta chỉ sợ tâm hồn ta lịm tắt
Giọt mực buồn lăn lóc giữa trang thơ
Thế là, rất tự nhiên, Trần Ngọc Tuấn đi tìm sự giao cảm trong tình yêu :
Nợ người con mắt lá răm
Trái tim xin trả trăm năm ngục tù
Nhất là anh đi tìm sự sẻ chia trong tình bạn. Có lúc anh lớn tiếng tuyên bố :
Ta chỉ sợ bạn bè ta lạnh nhạt
Đôi mắt dửng dưng là bản án tử hình
Có lẽ vì cường điệu quá nên khó tin. Tựa như một lần anh có dịp Uống rượu ở Tây Nguyên. Khi đãi khách phép làng rượu cần sánh ché / Trinh nữ nai hoang mắt ướt ngực trần, anh không ngần ngại cao hứng bày tỏ : Xin đổi nửa đời một đêm gửi rể, và đã được (hay bị) Già làng khề khà : - Kẻ chợ khó tin. Kể ra cũng khó tin thật ! Trong văn chương cũng như trong cuộc đời, mọi thứ đều cần có chừng có mực. Kẻ thông minh bao giờ cũng nhạy cảm với giới hạn. Vượt quá độ, người ta dễ sinh nghi. Riêng câu thơ này thì không thể nghi ngờ :
Bao người đến, bấy trái ngang
Tôi xin làm suối giải oan cho mình
.
Một người đàn ông cao thượng. Riêng cho một người anh ta hiểu. Hoài nghi anh sao được ! Tội chết. Đặc biệt, tâm trạng được giãi bày trong bài Vẽ núi thì tôi chắc mọi người cũng sẽ tin như tôi:
Bạn đi gửi lại tiếng cười
Tôi ngồi vẽ núi lạnh mười ngón tay
Có người thích những câu thơ tài hoa của Trần Ngọc Tuấn như: Em như sông Hương lững lờ chi rứa / Tôi chôn chân thêm mố nhịp Tràng Tiền. Tôi thì thích những câu thơ rút ruột, trần trụi mà rung động này : Trắng đêm vàng mắt dã quỳ / Giọt sương hạt lệ nhòe đi mặt người. Anh viết về nỗi đau mất bạn. Mà người đó là ai ? Là Nguyễn Đức Thọ, một nhà văn mệnh yểu, nhưng tôi dám chắc văn sẽ thọ, vì lúc còn sống anh biết vì người khác, nên khi mất, người đời sẽ không quên anh.
Nghĩ về bạn văn, với Trần Ngọc Tuấn, là một dịp nghĩ về mình :
Bạn giờ dằng dặc trăng treo
Tôi còn thất bát gặt gieo vụ đời
Nhất là dịp tốt để nghĩ về đời văn của mình :
Bạn giờ xanh cỏ nghìn năm
Tôi còn lận đận kiếp tằm nhả tơ
Ý thơ không mới, nhưng ý nguyện thì đáng trọng. Bạn bè hoàn toàn có thể kỳ vọng vào anh…

Đà Lạt, 4-2003

PHẠM QUANG TRUNG

*Bài viết được đăng trong tác phẩm THỨC CÙNG TRANG VIẾT (PHẠM QUANG TRUNG) NXB VĂN HỌC, 2003.


Thứ Năm, 25 tháng 8, 2011

NGÔ THẾ OANH : GIỚI THIỆU THƠ TRẦN NGỌC TUẤN






GIỚI THIỆU THƠ TRẦN NGỌC TUẤN

NGÔ THẾ OANH

Khác với nhiều người làm thơ cùng lớp tuổi với anh thường thiên về lý, tìm kiếm trong đề tài cũng như ngôn ngữ những gì vẫn được gọi là cách tân, hiện đại, thơ Trần Ngọc Tuấn thoáng gợi niềm hoài cổ. Nét thoáng gợi này thấm đượm trong ý tứ cảm xúc, trong lời lẽ. Theo cách phân định của người xưa về đường đời, Trần Ngọc Tuấn đã qua tuổi tam thập nhi lập, nhưng chưa đến tứ thập nhi bất hoặc. Anh sinh năm 1964. Ở thời chúng ta, tuổi ấy vẫn còn thanh xuân.Song, trong thơ Trần Ngọc Tuấn, ta như luôn bắt gặp cái nhìn của một kẻ muốn nhập thiền.



Ai tất bật với thăng trầm xuôi ngược
Người ung dung dõi mắt phía chân trời
.



Trần Ngọc Tuấn viết trong một bài tứ tuyệt. Điều này phần nào cắt nghĩa tác giả của Giữa cỏ (Nhà xuất bản Văn hóa –Thông tin - 1996) và Chân chim hóa thạch ( Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin – 1998) luôn tìm thấy an ủi ở thiên nhiên, ở những bậc tiền nhân. Một thiên nhiên và những bậc tiền nhân bao giờ cũng ẩn chứa nhiều độ lượng cùng một nỗi buồn. Phần nào điều này làm nên hồn thơ anh.



Hình như người miền Nam thường dành hai tiếng tài tử cho những người yêu cái đẹp, yêu chất thơ của đời sống hoàn toàn vô tư, đến với nghệ thuật mà không mong tìm kiếm gì cho những ảo tưởng. Những vần thơ Trần Ngọc Tuấn gợi cho ta phong vị tài tử ấy.


NGÔ THẾ OANH

* Bài viết đã được đăng trên Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội số 7 – 2000 .

Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

TRẦN NGỌC TUẤN : THANH THẢO - ĐI TỚI BIỂN CHÂN THÀNH KHÔNG MỆT MỎI






THANH THẢO – ĐI TỚI BIỂN CHÂN THÀNH KHÔNG MỆT MỎI

Thi sĩ đi qua bão lửa chiến tranh, nơi một chiếc áo có thể sống lâu hơn một cuộc đời, nơi máu đổ phải sống bằng thực chất – nơi cao nhất thử lòng ta yêu đất nước – thử lòng ta chung thủy vô tư – nơi vỡ vụn dưới chân ta những mảng đêm hèn nhát – những gương mặt ngẩng lên lấp lánh chất người, nơi hết thảy con người bóng họ tỏa mênh mông ngày nắng gắt – họ đi như gió – họ đứng như rừng – khi ngã xuống họ hóa thành mặt đất… Thi sĩ đi qua bão lửa nhân tình, đây đó vẫn còn tồn tại một thằng cặn bả - Tôi chào đất nước tôi, buồn quá – Đất nước cùng tôi lặng lẽ trên đườngChất người trong tâm hồn thi sĩ như vàng ròng qua bão lửa chiến tranh, bão lửa nhân tình vẫn nguyên trinh thô sơ mà hực sáng : người tìm vàng đãi cát – em qua cát tìm anh – ôi dấu chân dấu chân – những nẻo đường kháng chiến – người đi như sóng biển – tình yêu thành bãi bồi – nên mỗi bờ yêu thương – nên mỗi cồn xô dạt – đều có anh hạt cát – lặng dưới bàn chân em

Thi sĩ đi qua trảng cỏ, tự tại như giọt sương kia qua nắng gắt, qua bão tố - vẫn giữ lại cái mát lành đầy sức mạnh – vẫn long lanh bình thản trước vầng dương…

Thi sĩ mang bao khát vọng con người – dấu chân nho nhỏ không lời không tên – thời gian như cỏ vượt lên – lối mòn như sợi chỉ bền kéo qua, lặng lẽ đi tới biển, nơi không có tượng đài tạc bằng đá hoa cương, chỉ có sóng như thơ, chỉ có sóng như thơ chân thành, chỉ có sóng như thơ chân thành không mệt mỏi…


TRẦN NGỌC TUẤN

*Ghi chú : những chữ in nghiêng được trích từ thơ của nhà thơ Thanh Thảo

Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2011

NGUYỄN LÂM : TRẦN NGỌC TUẤN - LẠC ĐÀ TRÊN " CON ĐƯỜNG TƠ LỤA - THƠ"






TRẦN NGỌC TUẤN – LẠC ĐÀ TRÊN “CON ĐƯỜNG TƠ LỤA - THƠ “

NGUYỄN LÂM

Tôi gặp Trần Ngọc Tuấn vào một dịp tết cách đây gần chục năm ( 1994) . Lúc đó tôi đang ngồi ở nhà Hoàng Nhuận Cầm, phố Hàng Bún. Cả năm không gặp nhau, hai đứa đang hàn huyên chuyện trên trời dưới đất bên chén cuốc lủi trong vắt thì ào vào tiếng cười ròn tan, rồi đến chiếc áo blu-dông đầy bụi mưa, sau cùng đến một khuôn mặt trắng trẻo, nhẵn nhụi, để nhô ra cặp kính trắng gọng vàng phía trước và chỏm tóc cong ra phía sau hệt gã cao bồi Viễn Tây hoạt hình Lucky Luke. Và loáng một cái, những lát thịt heo quay Hàng Buồm vàng rộm,thơm phức đã nghễu nghện trên tấm lá chuối giữa chiếu.Để rồi ào ạt tuôn ra những “Chân quen lối cũ – Lạc về cõi xưa – Hoa em vừa độ - Nai tôi lạc rừng…” và “Chợt mai. Chợt ngọ. Chợt hoàng hôn – Biệt biệt lời hoa khúc họa hồn” …
Vào cái lúc “San san sẻ sẻ cho người đồng tâm” ít tiếng cười chắt chiu được từ những khi “Tất bật thăng trầm xuôi ngược” đó của Trần Ngọc Tuấn (giờ đây tôi đã biết anh bỏ biển quê xứ Quảng vào lập nghiệp ở bờ Sông Phố), con “Xúc xắc mùa thu” của Cầm đã xoáy vòng ra quán bia bình dân ngoài hè đường. Trong cơn gió mùa đông bắc buốt giá, những ly bia hơi lạnh lại sưởi ấm người. Bây giờ thì Trần Ngọc Tuấn đã đứng nhiều hơn ngồi, liên tục cụng ly, liên tục hát thơ; giữa cơn gió buốt đậm khuya Cửa Bắc mà Trần Ngọc Tuấn cứ để cho “Trăng leo qua đỉnh Tháp Chàm “ rồi gọi : “Gió ơi gió… nhẹ, kẻo làm trăng rơi!”. Cầm vốn chẳng phải kẻ kém miệng trong bất cứ cảnh huống nào, vậy mà lúc này gã chỉ cung tay mà cười khào khào. Một phần là vì gã đang đối diện với một cuộc tình mới , cô bé xứ biển Hòn Gai có cái tên rất đẹp, Điệp Vân (nay đã trở thành diễn viên màn bạc có hạng ở Hà Thành), đang ngồi khép nép bên cột điện, mỗi lần tôi giơ máy ảnh lên cô lại vội đưa tay che mặt. Phần khác, mà là phần chính, là sự thăng hoa thơ của Trần Ngọc Tuấn đã làm cho cái “Thế cuộc đỏ đen đời sáu mặt – Lung linh trong đáy mắt nhân tình”.
Không chỉ Hoàng Nhuận Cầm và tôi, nhiều đồng nghiệp khác cũng đã từng bị lây cái sôi động hồn nhiên của Trần Ngọc Tuấn. Tôi thấy được điều này ở cuộc gặp mặt sau đó mấy hôm, trước khi Trần Ngọc Tuấn trở về nhiệm sở ở Biên Hòa. Bữa đó, ở tại một quán đặc sản dê cũng tại Cửa Bắc, sau phần nhấc lên đặt xuống nhiều lần chén rượu “thang thuốc Minh Mạng”, đến đoạn “Người tìm người” nhả thơ mà người khai cuộc đương nhiên “khách phương xa kiêm chủ xị”. Giữa toàn những bộ mặt nam nhi ngầu như Trần Quang Quý, Nguyễn Sĩ Đại, Hoàng Nhuận Cầm, Hữu Việt… mà anh chàng thư sinh họ Trần nhỏ thó này không ngán lại đi quỳ “Giữa cỏ” mà lạy một cô gái vô danh nào đó:
Lạy em giũ sạch muộn phiền
Cho tâm thanh bạch giữa miền phù hoa
Lạy em bớt tiếng chua ngoa
Đời cay đắng lắm lại qua làm gì
Lạy em hãy ít so bì
Trăm năm rồi cũng bay đi úa vàng
Lạy hừng đông tới đêm tàn
Có nghe tôi lạy giữa ngàn cỏ ru

Ở văn cảnh đó, chẳng ai trốn được cái việc mở miệng nhả văn vần.(Tôi tính đánh bài chuồn mà không xong. Trần Ngọc Tuấn đã kịp moi trong túi tôi bức chân dung tôi mới vẽ bằng chữ cô bạn gái lâu ngày mới gặp lại,ở một quán trong “làng tuất Nhật tân” tối hôm trước, cùng với đám bạn văn xuôi Nguyễn Quang Lập , Bảo Ninh, Phạm Xuân Nguyên: “tóc cứ lệch – áo đen thành trắng – trong đêm nhao nhác – người cười – đắng khung trời – đâu ai hờn dỗi – lỗi hẹn rồi – men xưa thiêm thiếp – kẻ không nhà lang thang phố cũ – đường đang đen trăng quét trắng lòa – em đăm đẵm bên bờ khuya thẳm – rét chợt về - Hồ Tây lặn sóng – chút chênh chao – giọt mịn nhòa mây”)…
Sau này khi trở về Sài Gòn với nhịp sống gấp gáp của đời thường, tôi mới thật sự hiểu công việc đang làm của Trần Ngọc Tuấn. Nó thuộc lĩnh vực hầu như đối nghịch với thơ – một đơn vị kinh tế - chỉ cần xao lãng việc tính toán một chút thôi là đủ để… sập tiệm! Vậy Trần Ngọc Tuấn đã làm thế nào để cân bằng được hai đối cực đó ? Một kế toán trưởng dù đã cao giọng tự nhận mình “trót dại xem tiền như vỏ hến”, ngày ngày vẫn “Bon chen giữa chốn chợ đời – tiền trao cháo múc ngọt lời đẩy đưa” và đóng góp phần công sức không nhỏ cho cái công ty đầu tư nước ngoài của anh làm ăn ngày càng khấm khá, tiền mẹ đẻ tiền con, phát triển từ Đồng Nai qua Bình Dương, tới thành phố Hồ Chí Minh… Để rồi đêm đêm trở về “Nhà ta ở cuối chân trời – Khát thời có rượu, đói thời có thơ” mà “Thức cùng góa bụa – Nghe núi đá rùng mình” hoặc “Năm canh thương nhớ bốn mùa xa xăm”. Hoặc nữa, có khi lại là để thả các giấc mơ kỳ quặc “Rẽ sóng đi cưới con vua Thủy tề” hay hóa thành gã điên “ra sông uống nước – phố phường thờ ơ”… Những giấc mơ hư mà thực đó đã kết tinh thành những câu thơ lạ, những vần thơ hay, tụ thành các tập “Giữa cỏ”(1996), “Chân chim hóa thạch” (1998), “Con mắt dã quỳ” (2000).
Với tôi lúc này, gặp mặt Trần Ngọc Tuấn đã là chuyện thường xuyên. Ở giữa Sài Gòn có một địa chỉ quen thuộc đối với khá đông người ở mọi tầng lớp (từa tựa quán Trúc Viên ở phố Trần Hưng Đạo – Hà Nội ). Đó là Quán Trúc ở đường Lê Quý Đôn – bảng hiệu là bụi trúc trước cửa, chỗ ngồi ở vỉa hè đầy bụi, nắng thì bức, mưa thì ướt nhẹp, ăn thì không ngon, đồ uống cao hơn mức bình dân, nhân viên phục vụ đều là đám nhóc mới ở quê lên, thường mải chơi mà quên khách. Nghĩa là chả được một nết nào ! Vậy mà từ sáng tới tối, khách cứ đông nghìn nghịt. Tôi thích ngồi một mình ở đó, viết bài hoặc chỉ để hóng gió, ngó người qua lại chẳng sợ ai quấy rầy. Công việc làm ăn đưa Trần Ngọc Tuấn về Sài Gòn mỗi tuần chừng hai ba lần. Những hôm ấy, buổi trưa, xe Trần Ngọc Tuấn thường chạy qua Quán Trúc không thấy ai quen thân ( tôi hoặc Hoài Anh …) mới tấp vào Quán 81 – tụ điểm ồn ào của đủ loại “nghệ sĩ “, “gừng sĩ” như Trần Ngọc Tuấn từng miêu tả khá đặc sắc :
Có gã xa quê buồn như đá
Một bàn…Một ghế…Một tha hương”
“Có gã thất tình ngồi nói mớ
U ơ… ú ớ…lú hồn thơ”
“Có gã giận đời ngồi nói nhảm
Gió như mây thảy thảy ơ hờ”
“Có gã lên gân xưng hùng bá
Chưa ra quân xếp bộ cuốn cờ

Mỗi khi gặp nhau, bao giờ Trần Ngọc Tuấn cũng làm thủ tục chào bàn bằng mấy “ve” trào bọt, tiếp đến là những “vần nhớ” dành cho các bậc thi hào, thi bá đã khuất. Và thế là, giữa trưa hè oi bức đầy bụi và tiếng ồn, những “vọng chiều tím bóng hoa mua”, những “vọng đêm run rẩy giọt mưa nghẽn rừng”…đã hóa thành những ngọn gió lang thang quanh bụi trúc, rồi “nổi bão tốc chân mày”.
Đâu chỉ có vậy? Còn có rất nhiều khuya, dù còn thức hay đã ngủ, tôi cứ bị cái hồi chuông điện thoại kinh dị ấy “quấy rối tình bạn”. Thay cho câu quy ước là nửa câu lục bát: “Đêm ngày nghiền ngẫm đường cơ!”. Thế là tôi phải xuất ra mấy câu “thơ man” mới của mình, hoặc trân mình ra cho y ví là con dế: “Bao phen mỏi mệt tiếng người – về chơi với dế cho đời lêu têu”…
Nhắc đến Trần Ngọc Tuấn mà chỉ nói đến thơ e rằng không đủ. Như ở nửa sau câu chào điện thoại “Áo cơm sở đoản. Rượu thơ sở trường”, Trần Ngọc Tuấn nhận mình còn mạnh cả về khoản rượu nữa. Tửu lượng của Trần Ngọc Tuấn thế nào tôi còn chưa rõ, chứ “bia lượng” của y thì đáng được xếp vào hàng cao thủ. Nhiều lần ở Quán 81, tôi thấy y đi khắp các bàn cụng ly “trăm phần trăm” mấy lượt mà bước chân không hề loạng choạng, mà lưỡi không hề líu. Chỉ một lần ở đây, vào lúc tối trời (nghĩa là sang “hiệp phụ”) chân y mềm xìu, không đứng dậy nổi. Chỉ một lần, cũng vào lúc xế chiều, cũng ở “hiệp phụ” tại quán Trống Đồng (chủ quán là một nhà thơ và khách thường xuyên là những người làm thơ thích được gọi là “thi sĩ mô-đẹc”), có một thi sĩ không mô-đẹc lên giọng bề trên, thế là Trần Ngọc Tuấn cầm vỏ chai bia đập vào tường quán. Cả hai lần này tôi đều bốc y cùng xe máy của y lên taxi về “Cõi yêu” của y…
Bây giờ, đối với Trần Ngọc Tuấn, áo cơm cũng đã thành sở trường. Công việc làm ăn đã thành nền thành nếp, đâu vào đấy. Vẫn còn đầy rẫy những cú điện thoại kinh dị ban khuya nhưng đã thưa đi những chuyến phiêu lưu vặt ở Quán 81, Trống Đồng (Quán Trúc đã bị bứng đi như Quán Trúc Viên). Thời gian Trần Ngọc Tuấn dành cho thơ đã nhiều hơn hẵn trước, câu chữ được trau chuốt kỹ hơn, ý tưởng thơ mở rộng hơn, đặt ra nhiều vấn đề hơn. Song chính cái sự “cân bằng sinh thái” đó (cái gì cũng là sở trường) đã làm mất đi phần nào cái chông chênh trong cảm xúc, trong tâm tưởng của Trần Ngọc Tuấn, yếu tố không thể thiếu để tạo thành một tác phẩm nghệ thuật. Ở “Con mắt dã quỳ”,những cấu trúc hợp lý, những mở - kết đối xứng chặt quá, những lý sự về đời, về thơ ồn ào quá, không còn sự cuốn hút bất ngờ như “Chân chim hóa thạch” trước đây.
Có thể tôi nói quá lời. Bởi Trần Ngọc Tuấn vẫn còn nguyên “Tiếng vọng lạc đà “ – đường cơ đang được nghiền ngẫm hằng đêm. Trần Ngọc Tuấn hay nhắc đến sa mạc:
Tình đơm một đóa xương rồng
Ta sa mạc trắng. Em hồng nét hoa

" Mượn tiếng gió trên sa mạc
Để trang trải cô đơn
".
Bởi anh rất thích hình tượng "con đường tơ lụa’’. Sa mạc có thể hiểu theo nghĩa cuộc đời đầy khổ ải gian truân. Nhưng lại có ‘’Con đường tơ lụa ‘’ chạy xuyên sa mạc, con đường của kinh tế và văn hóa, con đường của phồn vinh và văn minh ! Và chỉ có lạc đà là sinh vật có thể đi được từ đầu đến cuối con đường này. Trần Ngọc Tuấn muốn dùng hình ảnh lạc đà để ví với mình và con đường thơ của anh chính là "Con đường tơ lụa’’. Một so sánh lạ và hay. Và trước mắt anh, "Con đường tơ lụa – thơ " còn rất dài để đi.

Sài Gòn, 28-7-2002

NGUYỄN LÂM

*Bài viết đã đăng trên Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai số 9 ,tháng 1 năm 2003







Thứ Ba, 16 tháng 8, 2011

NGUYỄN ĐỨC THỌ : TRẦN NGỌC TUẤN - CON MẮT THƠ






TRẦN NGỌC TUẤN – CON MẮT THƠ

NGUYỄN ĐỨC THỌ


Lần đầu gặp nhau, hắn gây cho tôi cảm giác khó chịu bởi cái giọng nói, thứ giọng Quảng Ngãi nguyên gốc. Và chắc là hắn cũng khổ sở vì phải trò chuyện cùng tôi, đã vậy tôi cố tình nói bắng giọng Nghệ mà bà ngoại tôi vẫn nói để gây cho hắn cảm giác mạnh. Đúng là trời đày. Nghệ An và Quảng Ngãi hai tỉnh kết nghĩa với nhau từ khi đất nước chưa thống nhất đến giờ nhưng hai đứa con của hai miền quê giàu truyền thống cách mạng ngồi với nhau lại phải nhờ ông Lê Đăng Kháng, trưởng Ban biên tập Nhà xuất bản Đồng Nai làm phiên dịch ra tiếng phổ thông ở những đoạn giàu biểu cảm nhất, ấy là khi nói về thơ. Hắn mê thơ đến mức làm ai cũng khiếp, mê thơ theo kiểu mấy ông có máu đỏ đen mê thụt bi-a:
Đêm ngày nghiền ngẫm đường cơ
Áo cơm sở đoản, rượu thơ sở trường
.
Mỗi lần hắn ra tập thơ mới là một sự kiện động trời ở đất Đồng Nai. Hắn tặng sách, hắn nâng ly, hắn cười nói rổn rảng y như vừa nghe tin du kích Ba Tơ thắng trận trở về…và rồi kết thúc bữa bia hơi liên hoan mừng tập thơ mới hắn xin mời cử tọa lắng nghe hắn đọc chừng mươi bài thơ mới nhất của tập thơ sắp in nay mai…
Có thể tạm dựng chân dung hí họa của Tuấn bằng vài dòng như thế. Tôi và Tuấn thân nhau, lâu lâu không bị hắn hành về những dự định… thơ tôi lại thấy nhớ hắn. Nhớ hắn nhất là những khi đi xa Biên Hòa gặp phải những ông thần… thơ chuyên công bố thơ theo kiểu cướp diễn đàn. Lúc ấy tôi thường ao ước có Tuấn bên cạnh: A, các ông coi tôi là đồ văn xuôi phải không? Lần sau tôi mang theo Trần Ngọc Tuấn, nó sẽ là pháo đài thơ B52, nó sẽ “oanh tạc” cho các ông tan tác bằng giọng thơ Quảng Ngãi. Tôi thường đem Tuấn ra dọa mấy ông bạn rượu như vậy và may mắn thay, tôi biết họ cũng rất yêu Tuấn như tôi.
Tuấn có một quãng đời lập thân “vĩ đại” (hắn rất thích dùng từ vĩ đại khi đã ngà ngà hơi bia, có thể hiểu từnày theo nghĩa đen là “cái đuôi lớn”), tốt nghiệp Đại học về Đồng Nai theo tiếng gọi thiêng liêng của vợ hắn bây giờ:
Nhà Bè nước chảy chia hai
Thân này chọn hướng Đồng Nai xuôi thuyền
Cũng vì hai chữ nhân duyên
Xa cha, biệt mẹ buông thuyền… theo em
!
Nhưng hắn là người anh trai sớm biết lo toan hiếu đễ, sau lưng là cái đuôi lớn, một lũ em từ ngoài Trung theo vào đang tuổi ăn học đại học. Hắn lo tất và các chú em đã lần lượt ra trường tự kiếm cơm, tự lập thân đúng tinh thần tranh đấu của người xứ Quảng. Tuấn là một trong những người sớm có bản lĩnh sống vào thời buổi cơ chế thị trường, làm kế toán cho hai công ty Đài Loan cùng một lúc và tất nhiên thu nhập của hắn hiện nay thuộc vào hàng phải đóng thuế thu nhập theo đúng luật định. Với thu nhập vững vàng và ổn định việc in một tập thơ đối với hắn chẳng là cái đinh gì. Tuy thế Tuấn là một người thơ rất nghiêm cẩn trong việc công bố tác phẩm, khác hẳn với những ông tay chơi thừa tiền rửng mỡ in thơ theo kiểu trưởng giả học làm sang. Sáu năm trời có bốn tập in riêng và hai tập in chung với hàng trăm bài in lẻ trên các báo khắp trong Nam ngoài Bắc, đủ biết bút lực của Tuấn không phải là tay vừa trong chuyện dan díu với Nàng Thơ.
Quả tình tôi là người rất thân với Tuấn nhưng chẳng hiểu hắn làm thơ vào lúc nào. Nghề của hắn là nghề của những con số, của sự chi li tính toán lời lỗ với hàng trăm chi tiết rối rắm, lơ mơ sai sót như chơi. Và trong một cơ chế quản lý kinh tế thiếu sự hoàn chỉnh như hiện nay,đó còn là nghề của sự mưu toan khoác nhiều tấm áo mỹ miều. Tuấn là một kẻ nô tài chuyên tính toán nhằm thu phần lợi về cho ông chủ càng nhiều càng tốt. Nói tóm lại nghề của hắn là nghề làm xiếc cân bằng đi trên sợi dây căng ngang mà người ta quen gọi là pháp luật! Kinh lắm! Ôi, cái nghề phù thủy sổ sách hạch toán kinh tế! Công việc kiếm cơm như thế đủ gây stress, đủ làm cho con người hóa thành cái máy vô cảm với đời. Thế mà hắn lại nuôi mộng làm ông Lý Bạch!
Chưa khi nào tôi thấy Tuấn vỗ ngực khoe khoang cái ghế làm thuê của mình, cho dù làm được cái chỗ của hắn là mơ ước của nhiều người. Giỏi chuyên môn đã đành, còn phải rành tiếng Anh và tiếng Hoa, rành máy vi tính… Tôi đã từng gặp một ông chủ của Tuấn, tưởng tôi là người của ngành thuế vội ủy quyền cho hắn tiếp khách. Tuấn thay mặt ông chủ đưa tôi đi tham quan khắp các công xưởng, tôi vừa xem vừa bái phục hắn. Lấy được đồng lương bằng đô la của người nước ngoài đâu phải là dễ, ông anh ơi, thân em đây càng ngày càng teo tóp như con nhái bén thế này. Tôi nghe hắn huyên thuyên, đành ậm ờ cho qua chuyện…
Bỏ cái tập thơ bốc đồng đầu tay Giác quan biển đi, mà chỉ tính bắt đầu từ tập thơ thứ hai Giữa cỏ - Nxb Văn hóa Thông tin – 1996 rồi qua tập thứ ba Chân chim hóa thạch – Nxb Văn hóa Thông tin – 1998 đến tập thơ thứ tư Con mắt dã quỳ - Nxb Hội nhà văn - 2000, Tuấn đã xuất hiện và tự mình làm một cuộc chạy đua nước rút với tuổi thanh xuân của chính mình trong khi viết. Đó là một kẻ mang nhiều khát vọng sáng tạo, một kẻ luôn đi tìm tòi bản thân mình, một kẻ luôn muốn vượt lên chính mình để khẳng định vị trí của nhà thơ. Hình như Tuấn luôn mặc cảm với cái chân kế toán, mà muốn hô lên với người đồng cảm rằng tôi là người của thơ. Tuấn đã sống hồn nhiên, sống rất đẹp khi tự bạch :
Biết thân hoa dại bên đình
Cũng xin vắt kiệt hồn mình mà thơm
.
Thú thật, buổi đầu tôi không tin Tuấn hết mình với thơ. Tôi nghĩ hắn làm thơ để thư giãn, thơ là liệu pháp dưỡng sinh để hắn đủ sức mà chiến đấu với kế sinh nhai, hắn chơi thơ, hắn… rửng mỡ! Nhưng rồi đọc Tuấn, càng đọc tôi lại càng ân hận và thấy mình sai lầm. Thơ hắn có những câu khiến tôi mất ngủ :
Bạn đi để lại tiếng cười
Tôi ngồi vẽ núi lạnh mười ngón tay
.
Hay như trong lời thiêng của một liệt sĩ nhắn với những người đi tìm đồng đội:
Tôi hóa cây
Trong vườn của mẹ
Bạn hãy thay tôi
Hái quả dâng Người

Lang thang trẻ thơ
Đầu đường cuối chợ
Tôi hóa mắt nhìn
Bạn nhận ra không ?
Chẳng ai thư giãn lại thấy mình làm liệt sĩ hóa thân vào cỏ xanh, vào đá dưới chân nàng Tô Thị, vào cây trái, vào đôi mắt trẻ thơ lang thang đầu đường xó chợ. Tâm thế bao dung ấy cũng là tâm thế của người hay đau đời, tâm thế của nhà thơ. Lụy hết thảy mọi nỗi đau con người…
Theo tôi, Tuấn thành công ở những bài về nỗi đau nhân thế, nỗi đau lớn mang tầm vóc của người Việt sau bao năm chiến tranh tao loạn. Có lẽ những năm tháng ấu thơ, dấu ấn kinh hoàng của chiến tranh vẫn không thể phai mờ trong ký ức. So với bạn bè thơ trang lứa, ít thấy ai nhói lòng bởi những cảm nhận thương đau ấy như Tuấn, như trong bài Tìm:
Mẹ đi tìm con
Mỏi mòn con mắt

Vợ đi tìm chồng
Thăn thắt ruột gan

Em đi tìm anh
Vật vờ nỗi nhớ

Người đi tìm người
Biền biệt cỏ lau.
Hay như trong bài Nhớ:
Nỗi nhớ Bắc – Nam
Quặn lòng giới tuyến

Nỗi nhớ núi rừng
Nhói tiếng ốc tu

Nỗi nhớ liếc dao
Cứa hồn phụ bạc

Nỗi nhớ sa mưa
Thấm giọng kinh chiều…
Và có lẽ thành công nhất của Tuấn trong cái mạch thế sự ấy là bài thơ Tháng Tư trở lại. Bài này đánh dấu sự vươn mình của Tuấn ra khỏi những tự vấn bản ngã vụn vặt mà các nhà thơ trẻ thường mắc phải khi đi tìm chính mình trong thơ:
Tháng Tư trở lại, ai ngồi nhớ
Vạt rừng khét lẹt khói bom cay
Đồng đội chia nhau từng hơi thở
Xa – gần, khoảng cách một tầm tay

Tháng Tư trở lại, ai cười nói
Vô tư như gió thoảng qua cầu
Ai mới đi qua nghìn đêm đói
Giờ buồn ngồi đếm hạt mưa sâu

Tháng Tư trở lại, ai ngồi hát
Ai say mê dạo khúc đàn bầu
Ai trải đời mình như khuôn nhạc
Cho ai trầm bổng nốt thương nhau
Tôi cho đó là sự từng trải trong chiêm nghiệm, trong cô đơn mới viết được như thế. Tuấn chưa hề đi qua Trường Sơn như thế hệ chúng tôi và các bậc đàn anh nhưng rõ ràng Tuấn đã thấu hiểu cái giá của một ngày tháng Tư lịch sử năm 1975.
Người ta nói làm thơ phải có cảm xúc, Tuấn làm thơ bằng con mắt. Tìm từng chữ, nắn nót từng chữ khi đặt bút trên giấy trắng… con mắt chữ của Tuấn là con mắt thơ. Chính vì thế thơ Tuấn thường ngắn và tạng của Tuấn là viết bằng sự thảng thốt mà nên chữ nên câu…Tuấn có ý thức lập tứ nhưng tự liệu sức vóc mình nên đôi khi không đi hết tứ để thành bài. Đây là chỗ hạn chế của Tuấn và hắn biết điều ấy!
Thường ngày hắn vẫn đến bên tôi như một người em vui tính và hơi thất thường nhưng trong tôi hắn là bạn vong niên và tôi hy vọng nhiều ở Tuấn, rồi sẽ đến một ngày hắn tự hoàn thiện mình trong hành trình hướng thiện duy nhất của đời hắn - ấy là Thơ. Lâu lâu không gặp hắn, buồn tình tôi lại nghêu ngao đọc những câu buông chùng khi say của hắn:
Có một gã điên
Ra sông uống nước
Phố phường thờ ơ
Thân quen ơ hờ
May còn dòng sông
Hiểu gã lơ mơ…

Không thấy gã điên
Ra sông uống nước
Ông lão lái đò
Hờ ơ bến vắng
Mơ thấy gã về
Cười nói u… ơ…


Đồng Nai, năm 2000

NGUYỄN ĐỨC THỌ

*Bài viết được đăng trong tác phẩm NHÂN CHỨNG CỦA THIÊN NHIÊN (NGUYỄN ĐỨC THỌ) – NXB THANH NIÊN - 2000


Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2011

VŨ NHO : CÓ MỘT NGƯỜI THƠ ( ĐỌC GIỮA CỎ & CHÂN CHIM HÓA THẠCH CỦA TRẦN NGỌC TUẤN )






CÓ MỘT NGƯỜI THƠ

(Đọc Giữa cỏ và Chân chim hóa thạch của Trần Ngọc Tuấn )

VŨ NHO

Thơ Trần Ngọc Tuấn gây ấn tượng khá mạnh về một người thơ. Đấy là một chàng trai thích rong chơi, thích phiêu du.” Vẹt gót giày nẻo đường cát gió. Một đời xuân rắc mà chơi. Rỡn chơi một đi rong. Lãng du tình suối hồn khe. Lắng đắng người về căn gác tịch. Ta đã chọn một đời làm lữ khách. Nẻo đi về quên nhớ phủ rong rêu”…
Nhưng ở đây chỉ là thoạt ấn tượng. Còn có một người thơ khác cần cù chăm chỉ, bôn ba lăn lóc với cuộc đời. Anh chàng phiêu bồng lãng tử kia chơi có lúc, có khúc, có mùa. Có chơi hoang thì cũng lựa khi năm cùng tháng tận, trốn nhà. Có hưởng lạc thú “ Chăn mây đắp tạm mơ hồ dáng tiên “, ở cạnh suối Lồ Ồ cũng chỉ là thảng hoặc “ Mấy khi thỏa giấc giữa miền cỏ hoa “ . Còn thì con người “ Phiêu du tài tử đa đoan khối tình “ noi dấu Tản Đà đó là con người đang vần vật, lặn ngụp trong “ Quán đời sấp ngửa bán mua “. Anh ta đang phạc phờ chạy gạo từng lon: Nuôi thơ, nuôi vợ, nuôi con, nuôi mình. Nuôi anh ta thì đơn giản ở cái ăn, khó khăn ở đồ uống: Khát thời có rượu, đói thời có thơ. Nhưng nuôi thơ đâu có giản đơn, nếu không nói là khó hơn nhiều so với nuôi con, nuôi vợ. Đã hết đâu, còn bao nhiêu nghĩa vụ anh phải làm. Anh làm phận sự người tình: Cũng vì một chữ nhân duyên. Xa cha biệt mẹ buông thuyền theo em! Anh làm trách nhiệm, nghĩa vụ người cha trước nhà bảo sanh: Hạnh vuông phúc tròn bồng bế hai tay. Anh làm nhiệm vụ của người bạn chân thành, thủy chung: Chắt chiu được ít tiếng cười – San san sẻ sẻ cho người đồng tâm. Làm gì, ở đâu anh cũng không quên bổn phận của một người con hiếu thảo: Dáng còng của mẹ, dấu hỏi đời con…
Người thơ ấy nhiều khi thấm nỗi cô đơn: Mình tôi lặn ngụp buồn leo lắt buồn ( Phiêu bồng mấy độ). Tôi còn thất bát gặt gieo vụ đời ( Cuối năm thăm mộ bạn) . Tôi ngồi vẽ núi lạnh mười ngón tay ( Vẽ núi )…
Cái hay, sự cuốn hút của thơ Trần Ngọc Tuấn là ở chỗ người thơ mặc dù chìm nổi trong cõi đời bon chen, quán đời sấp ngửa, làm đủ các phận sự khó khăn của một người có trách nhiệm, nhưng mà vẫn vượt thoát ra, vẫn thăng hoa được để phiêu bồng mấy độ, để giũ sạch muộn phiền.Cho tâm thanh bạch giữa miền phù hoa
Nhập vào cuộc đua chen sấp ngửa mà vẫn ung dung phiêu bồng, lăn lóc giữa bon chen mà không lấm bụi. Tính cách đó ảnh hưởng và để dấu in trên sự hoài niệm tiền nhân. Những bài thơ kiểu Thương nhớ tài hoa (Nguyễn Vũ Tiềm), trong đó Trần Ngọc Tuấn muốn tìm sự đồng điệu người xưa với mình. Anh nhấn mạnh cái tính “ngang tàng“, cái sự “ngất ngưởng”, cái máu “đa đoan”, cái bệnh “phiêu nhiên”, cái thú “rong chơi”. Nghĩa là những gì anh thấy đồng thanh đồng khí. Hình như gần gũi với anh hơn cả là thi sĩ Tản Đà, người đệ tử Lưu Linh, người đa đoan khối tình và hết mình vì thơ phú. Tản Đà tiên sinh từng tuyên ngôn :”Không thơ, không rượu sống như thừa”. Hẳn là trong thâm tâm, Trần Ngọc Tuấn đã đầu quân dưới lá cờ “thi tửu”.
- Áo cơm sở đoản, rượu thơ sở trường
- Khát thời có rượu, đói thời có thơ.
Nhà thơ uống rượu theo kiểu Văn Cao: Rượu trần một chén nhâm nhi. Nhưng khi cao hứng lên anh “Cụng ly cùng mưa bụi Hoàng Cung” và men đã thấm “Rượu uống quên say”. Cả trong cõi chiêm bao còn rượu (Rượu chiêm bao).
Người thơ coi đời là cuộc chơi không nhằm lỗ lã. Nhưng chơi đẹp là điều bao giờ anh cũng bận tâm. Nếu đời là chợ đời thì thơ cũng thế. Cũng là một cái chợ “Chợ văn sớm nắng chiều mưa”. Với đời, với thơ, Trần Ngọc Tuấn đều nhiệt tình, đều hết mình. Sự dấn thân vào đời cũng có nghĩa là dấn thân vì thơ “Ta giã nhà từ độ bóng thơ qua” Rồi từ đấy:
- Ngọt ngào dành trọn cho thơ
- Lời thơ đậm quá chữ tình
Nên thân xác tướp xơ hình cỏ lau.
Anh đêm ngày nghiền ngẫm đường cơ, tạo ra các bài thơ cô đúc, các lời thơ rưng rức: đi lâu lắc, thăn thắt ruột gan, biệt biệt lời hoa, lơ ngơ con nước… Thơ anh gây ấn tượng.
Cổ ngữ có câu: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Nếu giời không có ý bắt làm thi sĩ thì… cứ mặc. Chỉ biết Trần Ngọc Tuấn hết lòng vì thơ, vì bạn đồng tâm, bạn tri âm. Thông điệp xanh của anh ở giữa cỏ, trong chân chim hóa thạch, trong thơ anh…sẽ gửi lại mai sau. Nỗi buồn nhân chứng. Rằng có một người thơ…

Hà Nội, mùa hè 1999

VŨ NHO






*Bài viết được đăng trong tác phẩm ĐI GIỮA MIỀN THƠ - NXB VĂN HÓA THÔNG TIN ,2001

Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2011

HOÀI ANH : ĐẤT VÀ NGƯỜI ĐỒNG NAI TRONG THƠ TRẦN NGỌC TUẤN






ĐẤT VÀ NGƯỜI ĐỒNG NAI TRONG THƠ TRẦN NGỌC TUẤN

HOÀI ANH


Rồng chầu ngoài Huế
Ngựa tế Đồng Nai
Nước sông trong đổ lộn nước sông ngoài
Thương người xa xứ lạc loài tới đây
Tới đây thì ở lại đây
Bao giờ bén rễ xanh cây hãy về.
Đó là lời nói chơi cho vui của cô nàng Đồng Nai nói với các chàng trai miền Bắc, miền Trung vào khái phá miền Nam, chứ nếu đã “bén rễ xanh cây “ thì lúc ấy dù có muồn về, nàng cũng sẽ nói “Mình về ta chẳng cho về. Ta níu vạt áo ta đề bài thơ”.
Từ thuở cha ông mang gươm đi mở cõi đến nay đã hơn ba trăm năm mà chàng trai Trần Ngọc Tuấn vẫn còn bị cô nàng Đồng Nai níu áo lại, đến nỗi phải thốt lên :
Nhà Bè nước chảy chia hai
Thân này chọn hướng Đồng Nai xuôi thuyền
Cũng vì hai chữ nhân duyên
Xa cha biệt mẹ buông thuyền theo em.
Đồng Nai trạm nghỉ chân đầu tiên trên con đường thiên lý từ Bắc vào Nam, đi đường bộ, ai ai cũng phải đạp chân trước tiên lên mảnh đất địa đầu này. Qua những ngày tháng trèo non lội suối, vượt Trường Sơn một cách vất vả, rời vùng ác hiểm với “cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận“ liền gặp Đồng Nai. Do đó người ta dễ có ấn tượng tốt đẹp về vùng đất khi mới đặt chân tới :
Trên hòn Long Ẩn dưới truông voi
Phong cảnh Đồng Nai thú mặn mòi

Theo Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí, ông cha ta khai thác miền Gia Định, “ bắt đầu từ Đồng Nai, cho nên người đời trước có ý nói một cách toàn bộ như cử cái gốc thì tóm được cái ngọn, xách chỗ đầu thì kéo được cả phần đuôi”.
Trần Ngọc Tuấn tưởng nhớ tiền nhân đã khai phá đất này :
Người xưa cuốc gió bừa mây
Cho con cháu gặt bông sây mùa vàng
Người xưa phát cỏ khẩn hoang
Đào kinh khơi tắc dựng làng lập quê
Người xưa gươm khắc lời thề
Tình son nghĩa sắt đề huề anh em
Đồng Nai con nước êm đềm
Còn nghe vó ngựa gõ thềm sông xanh.
Người thiết lập bộ máy chính quyền đầu tiên trên đất này là Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh . Trong bài Dưới chân đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, Trần Ngọc Tuấn viết :
Bàn chân vừa chạm chân đền
Bỗng nghe giông gió sấm rền đâu đây
Bàn tay vừa khỏi ngọn cây
Đã nghe mặt đất níu mây gọi về
.
Giông gió sấm rền gợi lên công giữ đất của Nguyễn Hữu Cảnh cho tới phút cuối cùng ông qua đời trong một cơn giông ở cù lao Ông Chưởng. Mặt đất níu mây gợi lên công mở đất của Nguyễn Hữu Cảnh như cơn mưa ngọt tưới cho đồng ruộng xanh tươi.
Là cửa ngõ đi vào Nam, Biên Hòa từ xưa vẫn nổi tiếng là nơi “núi đẹp sông trong, phong tục thuần hậu, công việc giản dị, kẻ sĩ chọn thi thư, nhân dân siêng cày cấy, dệt cửi” (Trịnh Hoài Đức ). Biên Hòa còn có một nền văn hóa lâu đời. Trần Ngọc Tuấn viết về Đàn đá Bình Đa:
Lặng im một góc bảo tàng
Bình Đa một thoáng giữa ngàn cổ xưa
Ngỡ đàn tàn nhịp nắng mưa
Chợt trong thớ đá nhặt thưa luân hồi.
Kiếp luân hồi ở đây là kiếp người luân hồi thành tượng đá trong tác phẩm của nghệ nhân tạc tượng đá, để tồn tại đời đời kiếp kiếp. Trần Ngọc Tuấn viết bài Người tạc tượng đá ở Bửu Long :
Người chân đất tạc rồng bay
Một đời lặng lẽ nắng ngày sương đêm
Mai hóa đất dưới cỏ mềm
Hồn còn cậy đá gánh thêm nợ trần.
Đồng Nai còn nổi tiếng về nghệ thuật gốm. Trần Ngọc Tuấn viết :
Sinh ra từ dòng sông trăm họ
Uống nước sông này gửi lại hoa văn
Hào khí luyện lò nung nghìn độ
Gốm ngọc ngời chảy loáng men sông.

Men gốm ánh lên màu xanh ngọc của dòng sông Đồng Nai do kết tinh từ ngọn lửa hào khí Đồng Nai, sự hài hòa tuyệt đẹp giữa Đất và Người. Đất và Người Đồng Nai từng được miêu tả trong những bài thơ Trịnh Hoài Đức : Hoa Phong cổ lũy (Lũy cổ Hoa Phong), Ngư Tân sơn thị (Phiên chợ núi ở Bến Cá), Tân Triều đãi độ (Tân Triều chờ đò), Lộc động tiều ca (Bài hát của người tiều phu Hố Nai), Chu thổ sừ vân (Đất đỏ bừa trong mây), Tân Kinh thần mục (Sớm chăn trâu ở Tân Kinh), Quất xã ráo ti (Làng quít ươm tơ) … Trần Ngọc Tuấn đã mượn ý thơ trong bài Tân Triều đãi độ của Trịnh Hoài Đức để viết bài thơ Qua bến Tân Triều :
Tân Triều thuyền lẻ nằm ngang
Mặt trời gác bóng mênh mang nước trào
Ngựa dầm nước ngút khí hào
Khách nhìn sông bỗng nao nao tấc lòng
Ngậm hoa cá lượn theo dòng
Lùm cây quạ mớm quả rừng cho con
Điếm thôn mười tiếng gõ dồn
Vén mây rèm trúc song luồn ánh trăng

Lời xưa gió bạt sóng ngàn
Ơ kìa cò trắng bàn hoàn tình sông.
Khi giặc Pháp bắt đầu xâm lược nước ta, Đồng Nai cũng là nơi chịu đau thương tang tóc đầu tiên : Bến Nghé của tiền tan bọt nước, Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây (Nguyễn Đình Chiểu ) .Đồng Nai cũng là nơi đầu tiên theo nghĩa quân Trương Định đánh Pháp : Đồng Nai chợ Mỹ lo nhiều phía – Bến Nghé Sài Gòn trảo mấy đông (Điếu Trương Định – Nguyễn Đình Chiểu)
Giặc Tây đến cửa Cần Giờ, Em đừng thương nhớ đợi chờ uổng công. Lớp lớp người Đồng Nai đã đứng lên đánh Pháp. Với ý nghĩ và tâm nguyện cháy bỏng : Bao giờ cạn nước Đồng Nai, Nát chùa Thiên Mụ mới phai lời nguyền. Hào khí Đồng Nai bừng bừng qua hai mùa kháng chiến kết tụ trong hình ảnh người con yêu của đất Đồng Nai : vị tướng – nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ, trong bài thơ Trở lại rừng xưa, Trần Ngọc Tuấn viết :
Thác còn lừng lững suối còn xanh
Chim tự muôn phương tụ đất lành
Hoa cũng quên mình phơi phới sắc
Bướm cũng ân tình phút tái sanh

Cây lại xanh rừng sau nắng mưa
Vầng trăng gác núi chiến khu xưa
Thi nhân ngang súng trên yên ngựa
Lớp lớp người đi lốc xoáy mùa
Tinh hoa văn hóa văn nghệ Đồng Nai kết tụ trong từng trang viết của từng thế hệ nhà văn từ Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn đến Khôi Vũ, Nguyễn Đức Thọ, Đàm Chu Văn…Trong bài Người về, kính tặng nhà văn Hoàng Văn Bổn, Trần Ngọc Tuấn xâu chuỗi tên các tác phẩm của Hoàng Văn Bổn thành thơ, ghi lại cái tình của nhà văn với Đất và Người Đồng Nai :
Ngôi sao nhớ ai đêm giã biệt
Nước mắt rơi thấm mảnh đất này
Miền đất ven sông
ờ bến cũ
Sóng bạc đầu chào tóc trắng bay

Sau ngày thống nhất đất nước, Đồng Nai phấn khởi bước vào công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Trong bài Tứ tuyệt bên thác Trị An, Trần Ngọc Tuấn so sánh lao động tạo dòng thủy điện với lao động sáng tác thơ ;
Những bọt nước lúng liếng
Những con chữ phạc phờ
Thác quặn mình thành điện
Người vật vã thành thơ.
Những khu rừng chiến khu xưa giờ dựng lên lâm trường mới. Trong bài Mã Đà thương nhớ, Trần Ngọc Tuấn viết :
Người về với chiến khu xưa
Ngày đêm xe sợi nắng mưa lâm trường
Rừng xanh một sắc mơ màng
Dáng người lẫn giữa muôn ngàn bóng xanh

Cây mười năm, cây trăm năm
Cây đang nhú lộc, cây lành vết xưa
Vì người quên sớm quên trưa
Cây xanh như buổi cành thưa ngỡ ngàng

Không bom đạn, thuốc khai quang
Giận còn lâm tặc hung hoang phá rừng
Trăng soi mái ấm lâm trường
Kìa ai thức trắng để nhường giấc xanh
Không còn bom đạn, thuốc khai quang, nhưng vẫn còn cuộc “ chiến tranh không tiếng súng “ với những thói hư tật xấu, những tiêu cực xã hội, đòi hỏi mỗi con người phải tự nâng cao ý thức làm chủ xã hội. Bên rừng cao su Xuân Lộc, Trần Ngọc Tuấn nảy ra ý thơ – triết lý :
Mùa đông
Lá rụng
Người giống thế
Mà đừng phải thế !

Rừng cao su
Vắt kiệt máu mình
Rồi lặng lẽ…
Người giống thế
Mà đừng phải thế !
“Nhân linh ư vạn vật” (người linh hơn vạn vật) như vậy mới làm tròn sự nghiệp chinh phục thiên nhiên, cải tạo thiên nhiên, bắt thiên nhiên phục vụ cho mục tiêu dân giàu nước mạnh, do đó không vô tri như vạn vật, nhưng lại đòi hỏi phải có tâm hồn gần với thiên nhiên. Trong bài Về Tân Uyên, Trần Ngọc Tuấn viết :
Bạn hiền như thuở Tân Uyên
Thong dong sống giữa an nhiên phố phường

Phải có cái an nhiên ấy mới đứng vững được giữa những cơn lũ do thiên nhiên khắc nghiệt mang đến. Trong bài Mùa lũ, Trần Ngọc Tuấn viết:
Rừng giận ùn ùn cơn lũ quét
Người dắt dìu người qua nông sâu
Đất giận trút hờn cơn địa chấn
Người xót xa người ngắm bể dâu.
Phải có cái an nhiên ấy mới đứng vững được giữa những cơn bão không tên của thời kinh tế thị trường : Xưa đã quen những chuyển mùa không báo trước, giờ tập dần sống với bão không tên (bão không tên) .
An nhiên không có nghĩa là thụ động, mà là an nhiên đương đầu với cái ác. Trong bài Người quét rác bên sông, Trần Ngọc Tuấn viết :
Dọn quét quanh năm chưa vãn rác
Nắng mưa trăn trở với con đường
Ai có thấy mình là kẻ ác
Vứt phủ phàng rát mặt dòng sông
.
Cái trăn trở ấy tạo nên đặc sắc của thơ Trần Ngọc Tuấn từ trước đến nay. Trong những sáng tác gần đây, Trần Ngọc Tuấn đã nhập thế hơn những tập thơ trướccủa anh. Phải chăng anh đã có những đối tượng cụ thể để mà thương yêu : từ mẹ, vợ, con, bạn bè, đồng nghiệp, đồng bào, trên một tọa độ cụ thể: mảnh đất Đồng Nai, nên thơ anh thực hơn, đằm thắm hơn, mênh mang hơn, chứa đựng tình người nhiều hơn. Trong bài Một chiều Tân Hiệp, anh viết: Chợ xuân hoa ngập nắng tràn – Bên kia cầu Đúc người đang tìm người. Không phải sáu nhân vật đi tìm tác giả như kịch bản của Pirandello, mà là tác giả đi tìm độc giả, những tâm hồn đồng điệu. Trong bài Đêm trăng bóng rỗi, Địa – Nàng, anh viết : Dâng em gạo trắng Đồng Nai – Sầu riêng Phú Hội, bưởi xoài chợ Dinh – Dăm câu bóng rỗi xập xình – Cầu Gành mấy nhịp kiều tình bấy nhiêu. Hy vọng rằng những câu thơ viết về Đất và Người Đồng Nai của Trần Ngọc Tuấn bắt được nhịp kiều tình của tác giả đến với bạn đọc gần xa.

Sài Gòn, 2002

HOÀI ANH

Thứ Ba, 26 tháng 7, 2011

HOÀI ANH : ĐỌC" CON MẮT DÃ QUỲ " CỦA TRẦN NGỌC TUẤN






ĐỌC “ CON MẮT DÃ QUỲ “ CỦA TRẦN NGỌC TUẤN

HOÀI ANH

Trần Ngọc Tuấn có lần nói với tôi, chàng muốn làm một hành giả đi tìm đạo, nhưng chỉ “chay lòng” chứ không chay miệng, nghĩa là trên đường không chân đất, khất thực nhưng mang theo rượu ngon, vui với “trăng trong gió mát”, lấy không ai cấm, dùng hoài không hết, cầu “ngộ” ra cái lẽ ở đời. Tôi nói với chàng: Nếu làm được như vậy thì sẽ có được cái văn chương “mây bay nước chảy” của Tô Đông Pha ngày xưa, như “ nguồn suối vạn hộc, không chọn đất mà vọt ra, ở đất bằng thao thao chảy xiết, dầu một ngày ngàn dặm cũng không khó, kịp khi gặp đá núi khuất khúc, tùy vật phú hình mà không thể biết. Cái có thể biết là thường đi ở chỗ nên đi, thường dừng ở chỗ nên dừng! “ .Muốn như vậy phải giữ cho tâm hư và tĩnh, bởi “tĩnh nên hiểu mọi động, không nên thâu muôn cảnh” tức là khi đang làm thơ, không nên mong trước tìm ra một cái “đạo” rồi đem nhét nó vào thơ mà là “đạo” ngầm chứa trong sáng tác tự do tự động như nhịp điệu tự nhiên. Đó là cảnh giới tôi đang mong tới mà chưa được.

Chàng nghe tôi trở về tiếp tục làm thơ, và dường như cũng “diệu ngộ “ ít nhiều. Ít lâu sau, chàng đưa tôi xem một số bài thơ, tôi thấy có những câu mang ý hư và tĩnh:

Lang thang trẻ thơ
Đầu đường cuối chợ
Tôi hóa mắt nhìn
Bạn nhận ra không

Lời ai chạm tiếng chim ca
Rượu ai rưới xuống chan hòa hư không

Bướm trinh chao cánh vườn thiền
Tiếng chim tra trả thức miền nguyên sinh

Một đời không đủ rong chơi
Tự mình hóa cỏ luân hồi nỗi xanh.

Lại có lần Trần Ngọc Tuấn nói với tôi chàng muốn làm một thi sĩ hát rong, nhưng không hát dưới chân lâu đài của một công nương, mà như một Rimbaud “ rắc thơ giữa lối ta đi, Nơi quán Đại Hùng Tinh ta nghỉ trọ, những vì sao khẽ sột soạt trên kia “.

Tôi nói với chàng : Rimbaud sau hóa thành một “con tàu say “” giữa đêm xanh lá cây mơ tới những ngàn tuyết rực rỡ, như những chiếc hôn chậm chạp dâng lên đôi mắt đại dương, mơ đến cuộc lưu thông của những dòng nhựa dị thường …”, rồi bỏ thơ chết trẻ.

Hãy học theo Emile Verhaeren biết dạo chơi lành mạnh : “ Tôi nhìn thấy lần đầu cơn gió thắm, Trong biển lá cây lấp lóa ngời ngời, Hồn tôi mang tình người không có tuổi, Đều trẻ trung mới mẻ dưới mặt trời. Tôi yêu mắt, yêu tay, yêu thân thể,Yêu tóc vàng nâu rậm rạp bềnh bồng,Tôi muốn uống không gian vào đôi phổi, Để bơm cho sức lực được căng phồng “. Đó là thái độ sống mà tôi mong có được.

Chàng nghe tôi trở về tiếp tục làm thơ, và dường như được tiếp thêm sức sống từ thiên nhiên. Ít lâu sau chàng đưa tôi xem một số bài thơ, tôi thấy có những bài nạp năng lượng mặt trời :

Vẫn biết cõi người là cõi tạm
Sao yêu đến cháy ruột gan này

Lặng lẽ đêm ngày gieo hạt
Mặt đất chợt xô theo luống ý cày

Đêm cuồng
Vó dọc
Bờm ngang
Đêm
Chữ thắp lửa
Lóe trang
Bập bùng

Câu chuyện của chúng tôi chỉ đơn giản có thế. Còn ngoại giả tất cả là hư văn. Cái thực còn trông vào tập thơ “ con mắt dã quỳ “ như ly nước trong mời bạn uống đang ở trước đôi mắt xanh của bạn đọc yêu quý.

Sài Gòn, 10 – 10 – 1999

HOÀI ANH


* Tập thơ CON MẮT DÃ QUỲ của TRẦN NGỌC TUẤN , NXB HỘI NHÀ VĂN , NĂM 2000

Thứ Hai, 25 tháng 7, 2011

HOÀI ANH : CHÂN CHIM HÓA THẠCH (ĐỌC TẬP THƠ CHÂN CHIM HÓA THẠCH CỦA TRẦN NGỌC TUẤN )






CHÂN CHIM HÓA THẠCH

(Đọc tập thơ CHÂN CHIM HÓA THẠCH của Trần Ngọc Tuấn )

HOÀI ANH

Các nhà văn Aleho Carpentier, Gabriel Garcia Marquez nhận thấy ở Châu Mỹ La Tinh, bên cạnh những địa tầng địa chất còn có những lớp địa tầng văn hóa chìm sâu trong lòng đất, kết tinh lại trong những huyền thoại, cổ tích, truyền kỳ, thơ ca dân gian… thấm đậm ký ức cộng đồng trải qua hàng ngàn năm vẫn sống cùng con người hôm nay, cái đó đã tạo nên hiện thực huyền ảo của Châu Mỹ La Tinh. Tôi nghĩ ở Phương Đông và ở Việt Nam cũng có cái hiện thực huyền ảo như vậy, như huyền thoại Gióng.
…Huyền thoại ấy với tất cả các chi tiết mang tính biểu tượng trong hệ thống cấu trúc của nó, đã thể hiện cùng một lúc cả chiều cao, chiều rộng, chiều sâu của hiện thực chống ngoại xâm của đất nước ta, một hiện thực phong phú, phức tạp và dữ dội. Hiện thực ấy đi vào lòng cuộc sống vào máu thịt làm nên hội sống của con người Việt Nam, với ý thức cộng đồng, thái độ ứng xử, hình thành tính cách tâm lý, quan niệm triết lý, đạo đức, qua đó góp phần đào luyện nhân cách tạo nên nếp sống của con người Việt Nam.
Các nhà thơ lớn của dân tộc sở dĩ vĩ đại ở chỗ trong tác phẩm của họ đã lưu giữ được ký ức cộng đồng hội nhập được vào ý thức cộng đồng nhiều hơn ai hết vì cá tính, lối sống của họ thể hiện được những nét bản chất nhất, đặc trưng nhất của tính cách, tâm hồn dân tộc; chính vì thế mà trong hoàn cảnh thời cổ thiếu phương tiện in ấn xuất bản phần lớn chỉ lưu hành bằng hình thức truyền miệng, thơ văn của họ được nhiều thế hệ người Việt Nam truyền tụng, và đến lượt thơ văn của họ lại thành bia miệng sống mãi nghìn thu, đi vào kho tàng ký ức cộng đồng, ý thức cộng đồng, vừa trở thành tài sản tinh thần của dân tộc vừa tạo nên cái hiện thực huyền ảo của đất nước, nằm trong những vỉa sâu của địa tầng văn hóa Việt Nam, và cái cốt cách lãng mạn tài – tình của con người - ở đời Việt Nam.
Tôi hiểu Trần Ngọc Tuấn khi viết những bài thơ về Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Công Trứ, Cao bá Quát, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tản Đà…là muốn khơi sâu vào những lớp địa tầng văn hóa, tìm đến những giá trị tinh thần không hề mục nát với thời gian mà đã hóa thạch, mong để kết tinh những gì là tiêu biểu nhất của tính cách, tâm hồn dân tộc và bản lĩnh cá tính của con người Việt Nam, tâm hồn như sao Khuê vằng vặc của Nguyễn Trãi, tình cảm nhân đạo nhuần thấm đến cả bộ xương khô của Nguyễn Du, cái bản lĩnh một trèo ba bảy cũng trèo của Hồ Xuân Hương, cái khí phách làm cây thông đứng giữa trời mà reo của Nguyễn Công Trứ, cái hào khí chọc trời khuấy nước của Cao Bá Quát… cho đến tâm sự đau đời thương nước của Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tản Đà… khi đất nước còn đêm sao đêm vẫn tối mò mò, đều là những viên ngọc gia bảo mà chúng ta cần gìn giữ trân trọng. Xét cho cùng thì ngọc cũng là một thứ thạch (đá) mà thôi, chỉ có khác là sự hóa thạch này kết tinh được những gì sáng đẹp nhất, trong sạch nhất, bền vững nhất. Nhưng giá trị của viên ngọc không phải lúc nào bằng mắt thường cũng có thể nhận ra ngay mà phải trải qua sự sàng lọc của thời gian mới phát hiện vẻ bên trong của viên ngọc . Đó là trường hợp những danh nhân như Ngô Thì Nhậm chẳng hạn.
Không phải cái gì có khối lượng, trọng lượng lớn mới là đẹp, mà cái đẹp có khi rất tế vi, như chân chim hóa thạch, đòi hỏi phải có sự tinh tế, nhạy bén mới cảm nhận được.
Tìm ra cái đẹp qua chiều sâu của văn hóa dân tộc không chỉ ngồi chiêm ngưỡng, ca tụng, mà cái chính là phải noi gương người xưa đưa những cái gì tinh túy nhất của tính cách tâm hồn Việt Nam vào đời sống hàng ngày, vào phép ứng xử, vào nếp tư duy, vào cách rung cảm, vào quan niệm sống, vào thái độ nhập thế và xuất thế, vào cách hưởng thụ lạc thú vật chất và tinh thần, vào việc rèn luyện nghị lực và bản lĩnh…
Tôi biết sau khi đã nêu ra một số định đề về bài học của người xưa, Trần Ngọc Tuấn thử làm một số bài tập, ứng dụng những bài học ấy vào cách sống, cách cảm, cách nghĩ của bản thân mình, ướm mình vào cái thước đo của chân lý nghìn đời.
Thân chăm chỉ bởi biết mình mang nợ
Quả người xưa ăn lậm quá nhiều

Chăm chỉ không có nghĩa là cứ cắm đầu làm nhọc hình hài, làm mệt tâm trí, mà nói cho cùng sống cũng là một cuộc chơi, một cuộc chơi điệu nghệ, đạt tới một nghệ thuật sống, không bon chen, không nhắm lỗ lời. Trước hết là phải trực nhận được sự mong manh của kiếp người lấy thân cỏ dại đo hình càn khôn, sự tàn phá của thời gian chuyến xe rác chở theo hoa bất tử để từ đó mà có một thái độ đầy trách nhiệm, đầy thương yêu đối với cuộc sống hiện hữu phạc phờ chạy gạo từng lon, nuôi thơ, nuôi vợ, nuôi con, nuôi mình, lời thơ đậm quá chữ tình, nên thân xác tướp xơ hình cỏ lau. Đồng thời đạt tới thế quân bình trong tâm trí, để sống một cách ung dung, thích thảng Nhà ta ở cuối chân trời, Khát thời có rượu, đói thời có thơ,Trăng qua khi tỏ khi mờ, Lỏng then bạn quý,khép hờ yêu ma, và cuối cùng ra đi một cách bình tĩnh thản nhiên về cõi không ghen không hờn.
Vẫn biết rằng nói thì dễ làm được mới là khó, tuy vậy chúng ta cũng không nên bỏ qua thái độ dũng cảm, thành thật của Trần Ngọc Tuấn khi nghiêm khắc soát xét lại hành trang của mình, vứt bỏ những gì dư thừa vướng bận, để nhẹ nhàng đi tiếp những chặng đường mới, nơi thơ với cuộc đời là một .


Sài Gòn, 1998

HOÀI ANH

Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2011

HOÀI ANH : GIỮ TÂM THANH BẠCH GIỮA MIỀN PHÙ HOA (ĐỌC TẬP THƠ GIỮA CỎ CỦA TRẦN NGỌC TUẤN )






GIỮ TÂM THANH BẠCH GIỮA MIỀN PHÙ HOA

( Đọc tập thơ GIỮA CỎ của Trần Ngọc Tuấn )

HOÀI ANH

Có những bức tranh xóa nhòa đường nét để chỉ còn hòa sắc, một chút trắng, hồng điểm trên một nền vàng dào dạt.
Có những bản nhạc xóa nhòa cung bậc để chỉ còn hòa âm, tiếng gió lang thang trên đồng cỏ quyện với tiếng suối róc rách triền miên.
Có những bài thơ phiêu hốt, xóa nhòa biên giới không gian thời gian, nhà thơ ra đi với một tấm lòng trinh nguyên, mong tìm đến đích uyên nguyên, dọc đường tung tẩy rong chơi trong cõi thiên nhiên, cõi nhân tình, cõi suy tưởng, vốc từng nắm chữ ném vào cuộc chơi. Câu thơ muốn có cái thâm u của một làn hương, thẳng mạnh như một mũi tên, ngắn đọng như một thông điệp, màu nhiệm như một lời khải thị, để từ trong dồn nén tạo thành một lực, chứa đựng trong nó sức mạnh và minh trí của buổi nguyên khai.
Tôi biết Trần Ngọc Tuấn có ý đi vào con đường thơ phiêu bồng, con đường vắng vẻ đến rợn ngợp, của những lòng nhẹ không đi tìm cái bất chợt để mà cảm, của những hồn mênh mang đi tìm cái nhỏ yếu để mà yêu : Ta sa mạc trắng, em hồng nét hoa, mong vớt một mùi hương hoa mơ thơm suốt chiều hư tưởng, một chút an ủi từ nhánh cỏ mốt mai tình có xa rời, bới tìm trong cỏ một thời, thưa em !, một chút ngơ ngẩn trước kỳ công Tạo hóa vẹt gót giày nẻo đường cát gió, trước Hạ Long hồn xanh dậy ngu ngơ, một chút chạnh lòng trước suối Giải oan bao người đến bấy trái ngang, tôi xin làm suối giải oan cho mình. Trân trọng từng cảm giác trước không gian Gió ơi gió… nhẹ, kẻo làm trăng rơi, đồng thời cảm xúc trước sự biến đổi của thời gian dòng sông hòa nhịp biển khơi, nên lời khoảnh khắc là lời trăm năm.
Thèm cái phong thái của một thiền nhân, ai tất bật với thăng trầm xuôi ngược, Người ung dung dõi mắt phía chân trời, nhưng vẫn nặng lòng đời em phục sinh tiếng khóc, anh hoàn hồn trước mặt Chúa không ngôi. Có những phút nhớ về Mẹ dáng còng của mẹ, dấu hỏi đời con, cát bụi dặm trường, những phút nghĩ về đứa con đối diện trang thơ, tạ lỗi với con mình, chia sẻ tình cảm với bạn bè chắt chiu được ít tiếng cười, san san sẻ sẻ cho người đồng tâm.
Tôi thích những câu thơ dung dị thích thảng vừa phảng phất ca dao vừa mang chất “ Tiêu dao du “ của Trang Tử trong Nam hoa kinh :
Rỡn chơi một kiếp đi rong
Tóe tung bọt nước giữa dòng thuyền trôi
Xin em rỡn một lần thôi
Mai về trên ấy đôi môi khỏi buồn
.
Nhưng khác với Trang Tử mộng thấy mình hóa bướm, Trần Ngọc Tuấn viết :
Có những giấc mơ hóa bướm
Tôi chỉ mong là cỏ dưới chân đèo

Là ngọn cỏ bình thường trên mặt đất cho những giấc mơ có cánh đậu vào. Không gì yếu đuối bằng ngọn cỏ, nhưng cũng không gì kiên cường bằng ngọn cỏ. Tôi nhớ đến câu thơ Walt Whitman: “Tôi nguyện tái sinh trong bùn đất và ngọn cỏ quê hương. Bạn muốn tìm tôi, hãy tìm dưới đế giày của bạn”.
Thái độ bám chắc vào lòng đất, lòng đời ấy là một phép vệ sinh tinh thần, giữ cho tâm thanh bạch giữa miền phù hoa, cái đôn hậu ấy cũng giữ cho tâm hồn khỏi bị cuốn theo cơn lốc của thói khinh bạc, phiêu bồng mà không phiêu lưu, luyện lòng mình như đất ven bờ sông quê, qua lửa lò nung, kết tinh thành gốm ngọc ngời chảy loáng men sông.
Tôi nhớ câu thơ Lưu Trọng Lư: “Ta thương cỏ, ngùi thương phận cỏ, Nguyện ngày mai làm gió bên đường “, ở đây Trần Ngọc Tuấn lại có một thoáng se sắt trước một đêm văn nghệ tan vì bom đạn chiến tranh :
Câu quan họ liền anh liền chị…
Vọng cổ sáu câu chưa kịp xuống xề…
Sàn diễn mưa bom. Tình ca pháo dập
Giờ cỏ xanh rờn, lời xưa gió se
.
Những câu thơ trong cái ung dung thanh thản lại khiến cho người ta se lòng cũng giống như vậy chăng ?


Sài Gòn, 1996

HOÀI ANH

Thứ Năm, 21 tháng 7, 2011

TRẦN NGỌC TUẤN : LÝ VĂN HIỀN - MỘT ÁNH TRĂNG CÔI






LÝ VĂN HIỀN – MỘT ÁNH TRĂNG CÔI


Ánh trăng côi sáng khoảng trời áo trắng, thuở : guốc gỗ trưa hè khe khẽ nhịp – ta nghe khua động xoáy trong hồn – ngày xưa em cũng thường mang guốc – đường nhựa tan trường chân sáo non. Làm sao mà quên được thuở tình học trò khi qua cổng trường con gái, màu vôi vàng còn đấylồng son nào sập bẫy – để em thành xa xăm

Ánh trăng côi sáng khoảng trời Ratanakiri trong mùa khô hành quân : vốc gạo sấy cứ nằm trong miệng – nước bọt quánh như hồ nuốt mãi không trôi; làm sao mà quên được : Đồng đội tôi nằm ven rừng khộp rừng le – mắt mở trừng trừng mơ về dòng sông quê nhà xa lắc . Làm sao mà quên được : chợ sớm chợ chiều em có qua sông – ai đợi em vẫy cro-ma chào về bờ bắc – bao sóng vỗ dưới gầm phà Xrê-pôc – lỗi nhịp tim nào em gởi cho tôi.

Ánh trăng côi sáng khoảng trời quê kiểng, nơi ấy có tiếng xe ngựa già lọc cọc ,có vạt áo trắng trinh hồn nhiên thiếu nữ, có mái ngói âm dương rêu phủ, có luỹ tre làng – khắc khoải đỏ từng ngọn lá, có những đám giỗ trùng đụp chằng mụn vá – miếu âm hồn lá cháo trắng tầm mưa…

Ánh trăng côi sáng khoảng trời tình nghĩa, nơi ấy có Lý phu nhân hiền thục : Em-tiểu thư con nhà khuê các – yêu ta xẻ nửa gánh thân trần…

Giữa muôn ngàn tinh tú, thi sĩ chỉ dám nhận mình là một ánh trăng côi, một ánh trăng côi hiền lành âm thầm dịu sáng…


TRẦN NGỌC TUẤN



*Ghi chú : những chữ in nghiêng được trích từ thơ của nhà thơ Lý Văn Hiền

Thứ Tư, 20 tháng 7, 2011

TRẦN NGỌC TUẤN : VŨ HỮU ĐỊNH - CÒN MỘT CHÚT GÌ ĐỂ NHỚ, ĐỂ QUÊN...




Vũ Hữu Định- còn một chút gì để nhớ , để quên



Trần Ngọc Tuấn

Thi sĩ có những ngày long đong : trưa ngủ đậu , chiều đi , đêm đợi – mai lang thang mốt biết về đâu ? Trong những ngày thui thủi , những ngày vất vưởng ấy , thi sĩ chợt nhận ra :trong đám đông anh lại càng cô độc – bởi một nơi đâu cũng ăn tạm ngủ nhờ – sợ cả lời chia vui thành thật – bạn bè thì đông sao anh vẫn bơ vơ … Trên bước đường luân lạc ấy , đôi khi thi sĩ : đứng sững bên bờ đau hồn cỏ – con bướm giang hồ lả cánh bay rơi



Mệt mỏi ,rã rời nhưng không thể dừng chân bởi mấy năm không đi trời đất nhỏ dần – ôi tiếng còi tàu như một nhát gươm – rướm máu lòng khao khát … Thi sĩ lên đường để thoả mãn cơn khát : thèm đi , thèm thấy , thèm nghe , thèm học ở cuộc đời nầy ; cho dù : đời cứ quay tròn , ta chóng mặt – ta cứ phải nhìn những kẻ đu dây – anh hùng đổi áo theo màn xiếc – chữ nghĩa văn chương đã dạn dày …

Để tồn tại , thi sĩ phải tự nhủ : con chim còn biết tập quen với lồng – con cá còn tập quen với chậucon người cũng phải tập long đong , và hơn thế : ôi vết chém đã qua thời đau nhức – đâm da non để thành sẹo muôn đời – anh thở đều để sống em ơi … Thi sĩ phải sống để mà tạ lỗi với mẹ buồn ta tóc trắng lưng còng ; để mà tạ lỗi với em , người vợ hiền thục nhu mỳ vì thi sĩ mà một đời lận đận : anh biết nói gì khi em long lanh – hai hàng lệ thương con ngày đói – anh đã hiểu dầu em không nói – em khóc tự nhiên như lúc em cười ; để tạ lỗi với tất cả những ai mà thi sĩ một lần phiền luỵ …

Thi sĩ đã hát khúc hát đời lỡ vận – hát âm u trong đêm tối một mình và tự nhận anh là một gã giang hồ tới – lòng hoang như con lộ không đèn – ngồi với lòng sầu ly rượu cạn – sao mới vài ly mà đã say ? Thi sĩ đã có một đêm say cuối cùng như thế để rồi vĩnh biệt , nhưng may còn có em … để còn có thơ ; may còn có thơ để hình ảnh thi sĩ còn thấp thoáng trên cuộc đời nầy và còn một chút gì để nhớ , để quên

Ghi chú : chữ in nghiêng được trích từ thơ của nhà thơ Vũ Hữu Định
Trần Ngọc Tuấn

Thứ Ba, 19 tháng 7, 2011

TRẦN NGỌC TUẤN : NGUYỄN XUÂN THÂM - THẮP KHUYA GỌI TRẦM






NGUYỄN XUÂN THÂM – THẮP KHUYA GỌI TRẦM


Trên con đường run rẩy thơ, với bàn chân bé nhỏ mà ghê gớm, với trái tim dầu dãi như là cỏ… Thi sĩ lang thang mai thượng du nay đang biển mù để tìm câu thơ trời cho

Câu thơ trời cho đôi khi đẹp như một bức tranh : nắng mới nhà em nắng mới non – hoa câu như nắng rụng quanh vườn… nhưng còn gì ngậm ngùi hơn khi vườn nhà mẹ mất không còn nữa – anh thiếu quê hương nơi cố hương…

Câu thơ trời cho đôi khi mang hình vết son trong một chiều Paris huyền ảo : Nếu không có cuộc chia xa – em ơi chiều ấy chỉ là chiều thôi – ngô đồng từng lá cứ rơi – sông Seine cứ chảy dưới trời, em đi…

Câu thơ trời cho đôi khi buồn như đêm Huambo – Angola một thời khẹt nồng thuốc súng : hoang vu rừng trước kéo về - câu ca bộ lạc tái tê cả hồn – chiến tranh nhịp bước mê cuồng – máu người, vỏ hộp, nỗi buồn mốc meo…

Trên con đường gian nan ngậm ngãi tìm trầm đôi khi thi sĩ gặp được thơ, trên con đường chông gai ngậm ngãi tìm thơ đôi khi thi sĩ gặp được trầm. Mới hay thơ và trầm không phải là cái quá quí hiếm với những ai dám tận hiến cho cuộc hành trình đi tìm cái Đẹp, cái ngọt ngào vĩnh hằng có tên gọi THI CA.


* Ghi chú : những chữ in nghiêng được trích từ thơ của nhà thơ Nguyễn Xuân Thâm

TRẦN NGỌC TUẤN