Thứ Ba, 16 tháng 8, 2011

NGUYỄN ĐỨC THỌ : TRẦN NGỌC TUẤN - CON MẮT THƠ






TRẦN NGỌC TUẤN – CON MẮT THƠ

NGUYỄN ĐỨC THỌ


Lần đầu gặp nhau, hắn gây cho tôi cảm giác khó chịu bởi cái giọng nói, thứ giọng Quảng Ngãi nguyên gốc. Và chắc là hắn cũng khổ sở vì phải trò chuyện cùng tôi, đã vậy tôi cố tình nói bắng giọng Nghệ mà bà ngoại tôi vẫn nói để gây cho hắn cảm giác mạnh. Đúng là trời đày. Nghệ An và Quảng Ngãi hai tỉnh kết nghĩa với nhau từ khi đất nước chưa thống nhất đến giờ nhưng hai đứa con của hai miền quê giàu truyền thống cách mạng ngồi với nhau lại phải nhờ ông Lê Đăng Kháng, trưởng Ban biên tập Nhà xuất bản Đồng Nai làm phiên dịch ra tiếng phổ thông ở những đoạn giàu biểu cảm nhất, ấy là khi nói về thơ. Hắn mê thơ đến mức làm ai cũng khiếp, mê thơ theo kiểu mấy ông có máu đỏ đen mê thụt bi-a:
Đêm ngày nghiền ngẫm đường cơ
Áo cơm sở đoản, rượu thơ sở trường
.
Mỗi lần hắn ra tập thơ mới là một sự kiện động trời ở đất Đồng Nai. Hắn tặng sách, hắn nâng ly, hắn cười nói rổn rảng y như vừa nghe tin du kích Ba Tơ thắng trận trở về…và rồi kết thúc bữa bia hơi liên hoan mừng tập thơ mới hắn xin mời cử tọa lắng nghe hắn đọc chừng mươi bài thơ mới nhất của tập thơ sắp in nay mai…
Có thể tạm dựng chân dung hí họa của Tuấn bằng vài dòng như thế. Tôi và Tuấn thân nhau, lâu lâu không bị hắn hành về những dự định… thơ tôi lại thấy nhớ hắn. Nhớ hắn nhất là những khi đi xa Biên Hòa gặp phải những ông thần… thơ chuyên công bố thơ theo kiểu cướp diễn đàn. Lúc ấy tôi thường ao ước có Tuấn bên cạnh: A, các ông coi tôi là đồ văn xuôi phải không? Lần sau tôi mang theo Trần Ngọc Tuấn, nó sẽ là pháo đài thơ B52, nó sẽ “oanh tạc” cho các ông tan tác bằng giọng thơ Quảng Ngãi. Tôi thường đem Tuấn ra dọa mấy ông bạn rượu như vậy và may mắn thay, tôi biết họ cũng rất yêu Tuấn như tôi.
Tuấn có một quãng đời lập thân “vĩ đại” (hắn rất thích dùng từ vĩ đại khi đã ngà ngà hơi bia, có thể hiểu từnày theo nghĩa đen là “cái đuôi lớn”), tốt nghiệp Đại học về Đồng Nai theo tiếng gọi thiêng liêng của vợ hắn bây giờ:
Nhà Bè nước chảy chia hai
Thân này chọn hướng Đồng Nai xuôi thuyền
Cũng vì hai chữ nhân duyên
Xa cha, biệt mẹ buông thuyền… theo em
!
Nhưng hắn là người anh trai sớm biết lo toan hiếu đễ, sau lưng là cái đuôi lớn, một lũ em từ ngoài Trung theo vào đang tuổi ăn học đại học. Hắn lo tất và các chú em đã lần lượt ra trường tự kiếm cơm, tự lập thân đúng tinh thần tranh đấu của người xứ Quảng. Tuấn là một trong những người sớm có bản lĩnh sống vào thời buổi cơ chế thị trường, làm kế toán cho hai công ty Đài Loan cùng một lúc và tất nhiên thu nhập của hắn hiện nay thuộc vào hàng phải đóng thuế thu nhập theo đúng luật định. Với thu nhập vững vàng và ổn định việc in một tập thơ đối với hắn chẳng là cái đinh gì. Tuy thế Tuấn là một người thơ rất nghiêm cẩn trong việc công bố tác phẩm, khác hẳn với những ông tay chơi thừa tiền rửng mỡ in thơ theo kiểu trưởng giả học làm sang. Sáu năm trời có bốn tập in riêng và hai tập in chung với hàng trăm bài in lẻ trên các báo khắp trong Nam ngoài Bắc, đủ biết bút lực của Tuấn không phải là tay vừa trong chuyện dan díu với Nàng Thơ.
Quả tình tôi là người rất thân với Tuấn nhưng chẳng hiểu hắn làm thơ vào lúc nào. Nghề của hắn là nghề của những con số, của sự chi li tính toán lời lỗ với hàng trăm chi tiết rối rắm, lơ mơ sai sót như chơi. Và trong một cơ chế quản lý kinh tế thiếu sự hoàn chỉnh như hiện nay,đó còn là nghề của sự mưu toan khoác nhiều tấm áo mỹ miều. Tuấn là một kẻ nô tài chuyên tính toán nhằm thu phần lợi về cho ông chủ càng nhiều càng tốt. Nói tóm lại nghề của hắn là nghề làm xiếc cân bằng đi trên sợi dây căng ngang mà người ta quen gọi là pháp luật! Kinh lắm! Ôi, cái nghề phù thủy sổ sách hạch toán kinh tế! Công việc kiếm cơm như thế đủ gây stress, đủ làm cho con người hóa thành cái máy vô cảm với đời. Thế mà hắn lại nuôi mộng làm ông Lý Bạch!
Chưa khi nào tôi thấy Tuấn vỗ ngực khoe khoang cái ghế làm thuê của mình, cho dù làm được cái chỗ của hắn là mơ ước của nhiều người. Giỏi chuyên môn đã đành, còn phải rành tiếng Anh và tiếng Hoa, rành máy vi tính… Tôi đã từng gặp một ông chủ của Tuấn, tưởng tôi là người của ngành thuế vội ủy quyền cho hắn tiếp khách. Tuấn thay mặt ông chủ đưa tôi đi tham quan khắp các công xưởng, tôi vừa xem vừa bái phục hắn. Lấy được đồng lương bằng đô la của người nước ngoài đâu phải là dễ, ông anh ơi, thân em đây càng ngày càng teo tóp như con nhái bén thế này. Tôi nghe hắn huyên thuyên, đành ậm ờ cho qua chuyện…
Bỏ cái tập thơ bốc đồng đầu tay Giác quan biển đi, mà chỉ tính bắt đầu từ tập thơ thứ hai Giữa cỏ - Nxb Văn hóa Thông tin – 1996 rồi qua tập thứ ba Chân chim hóa thạch – Nxb Văn hóa Thông tin – 1998 đến tập thơ thứ tư Con mắt dã quỳ - Nxb Hội nhà văn - 2000, Tuấn đã xuất hiện và tự mình làm một cuộc chạy đua nước rút với tuổi thanh xuân của chính mình trong khi viết. Đó là một kẻ mang nhiều khát vọng sáng tạo, một kẻ luôn đi tìm tòi bản thân mình, một kẻ luôn muốn vượt lên chính mình để khẳng định vị trí của nhà thơ. Hình như Tuấn luôn mặc cảm với cái chân kế toán, mà muốn hô lên với người đồng cảm rằng tôi là người của thơ. Tuấn đã sống hồn nhiên, sống rất đẹp khi tự bạch :
Biết thân hoa dại bên đình
Cũng xin vắt kiệt hồn mình mà thơm
.
Thú thật, buổi đầu tôi không tin Tuấn hết mình với thơ. Tôi nghĩ hắn làm thơ để thư giãn, thơ là liệu pháp dưỡng sinh để hắn đủ sức mà chiến đấu với kế sinh nhai, hắn chơi thơ, hắn… rửng mỡ! Nhưng rồi đọc Tuấn, càng đọc tôi lại càng ân hận và thấy mình sai lầm. Thơ hắn có những câu khiến tôi mất ngủ :
Bạn đi để lại tiếng cười
Tôi ngồi vẽ núi lạnh mười ngón tay
.
Hay như trong lời thiêng của một liệt sĩ nhắn với những người đi tìm đồng đội:
Tôi hóa cây
Trong vườn của mẹ
Bạn hãy thay tôi
Hái quả dâng Người

Lang thang trẻ thơ
Đầu đường cuối chợ
Tôi hóa mắt nhìn
Bạn nhận ra không ?
Chẳng ai thư giãn lại thấy mình làm liệt sĩ hóa thân vào cỏ xanh, vào đá dưới chân nàng Tô Thị, vào cây trái, vào đôi mắt trẻ thơ lang thang đầu đường xó chợ. Tâm thế bao dung ấy cũng là tâm thế của người hay đau đời, tâm thế của nhà thơ. Lụy hết thảy mọi nỗi đau con người…
Theo tôi, Tuấn thành công ở những bài về nỗi đau nhân thế, nỗi đau lớn mang tầm vóc của người Việt sau bao năm chiến tranh tao loạn. Có lẽ những năm tháng ấu thơ, dấu ấn kinh hoàng của chiến tranh vẫn không thể phai mờ trong ký ức. So với bạn bè thơ trang lứa, ít thấy ai nhói lòng bởi những cảm nhận thương đau ấy như Tuấn, như trong bài Tìm:
Mẹ đi tìm con
Mỏi mòn con mắt

Vợ đi tìm chồng
Thăn thắt ruột gan

Em đi tìm anh
Vật vờ nỗi nhớ

Người đi tìm người
Biền biệt cỏ lau.
Hay như trong bài Nhớ:
Nỗi nhớ Bắc – Nam
Quặn lòng giới tuyến

Nỗi nhớ núi rừng
Nhói tiếng ốc tu

Nỗi nhớ liếc dao
Cứa hồn phụ bạc

Nỗi nhớ sa mưa
Thấm giọng kinh chiều…
Và có lẽ thành công nhất của Tuấn trong cái mạch thế sự ấy là bài thơ Tháng Tư trở lại. Bài này đánh dấu sự vươn mình của Tuấn ra khỏi những tự vấn bản ngã vụn vặt mà các nhà thơ trẻ thường mắc phải khi đi tìm chính mình trong thơ:
Tháng Tư trở lại, ai ngồi nhớ
Vạt rừng khét lẹt khói bom cay
Đồng đội chia nhau từng hơi thở
Xa – gần, khoảng cách một tầm tay

Tháng Tư trở lại, ai cười nói
Vô tư như gió thoảng qua cầu
Ai mới đi qua nghìn đêm đói
Giờ buồn ngồi đếm hạt mưa sâu

Tháng Tư trở lại, ai ngồi hát
Ai say mê dạo khúc đàn bầu
Ai trải đời mình như khuôn nhạc
Cho ai trầm bổng nốt thương nhau
Tôi cho đó là sự từng trải trong chiêm nghiệm, trong cô đơn mới viết được như thế. Tuấn chưa hề đi qua Trường Sơn như thế hệ chúng tôi và các bậc đàn anh nhưng rõ ràng Tuấn đã thấu hiểu cái giá của một ngày tháng Tư lịch sử năm 1975.
Người ta nói làm thơ phải có cảm xúc, Tuấn làm thơ bằng con mắt. Tìm từng chữ, nắn nót từng chữ khi đặt bút trên giấy trắng… con mắt chữ của Tuấn là con mắt thơ. Chính vì thế thơ Tuấn thường ngắn và tạng của Tuấn là viết bằng sự thảng thốt mà nên chữ nên câu…Tuấn có ý thức lập tứ nhưng tự liệu sức vóc mình nên đôi khi không đi hết tứ để thành bài. Đây là chỗ hạn chế của Tuấn và hắn biết điều ấy!
Thường ngày hắn vẫn đến bên tôi như một người em vui tính và hơi thất thường nhưng trong tôi hắn là bạn vong niên và tôi hy vọng nhiều ở Tuấn, rồi sẽ đến một ngày hắn tự hoàn thiện mình trong hành trình hướng thiện duy nhất của đời hắn - ấy là Thơ. Lâu lâu không gặp hắn, buồn tình tôi lại nghêu ngao đọc những câu buông chùng khi say của hắn:
Có một gã điên
Ra sông uống nước
Phố phường thờ ơ
Thân quen ơ hờ
May còn dòng sông
Hiểu gã lơ mơ…

Không thấy gã điên
Ra sông uống nước
Ông lão lái đò
Hờ ơ bến vắng
Mơ thấy gã về
Cười nói u… ơ…


Đồng Nai, năm 2000

NGUYỄN ĐỨC THỌ

*Bài viết được đăng trong tác phẩm NHÂN CHỨNG CỦA THIÊN NHIÊN (NGUYỄN ĐỨC THỌ) – NXB THANH NIÊN - 2000


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét