Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2011

PHẠM QUANG TRUNG : ĐỌC THƠ TRẦN NGỌC TUẤN






ĐỌC THƠ TRẦN NGỌC TUẤN

PHẠM QUANG TRUNG

Trần Ngọc Tuấn là một cử nhân kinh tế. Tưởng anh suốt ngày bị những con số ám ảnh, những tính toán dẫn dắt, chả thể nghĩ và làm được điều gì khác. Hóa ra không phải thế. Anh đã vượt qua bao ngáng trở, thách thức trong tư duy, trong phận sự để trở thành một nhà thơ – nhà thơ đúng nghĩa theo thiên hướng, theo số phận. Hành trang thơ anh mang theo cho đến nay kể cũng kha khá. Chưa tính những tập in chung, bốn tập thơ riêng ngay ngắn đã chào đời. Đó là Giác quan biển (1994), Giữa cỏ (1996), Chân chim hóa thạch (1998), Con mắt dã quỳ (2000). Cứ đều đặn hai năm một tập, sức viết cũng chẳng thua kém ai.
Anh khởi nghiệp ở Biên Hòa. Nhiều cây bút như Trương Nam Hương, Lương Định, Cao Xuân Sơn… cũng từng đi những bước đầu tiên trong sự nghiệp của mình ở xứ này, để rồi hòa nhập vào thi đàn một cách khá chững chạc đường hoàng. Rồi kẻ trước người sau, vì những nguyên do khác nhau, họ lần lượt rời dòng sông Đồng Nai ra đi, nhưng lòng họ thì tôi biết, luông đằm mình trong dòng sông thân thương ấy. Trụ lại đến giờ, về thơ, nổi lên là Đàm Chu Văn và Trần Ngọc Tuấn.
Những con chim trốn rét đã bay rồi
Để mùa đông ở lại

Dòng sông trôi
Trôi mãi
Biết đâu là mênh mông
Trong một bài thơ Đàm Chu Văn viết tặng Trần Ngọc Tuấn, tôi đọc được đoạn ấy. Đàm Chu Văn như tự nói với chính mình. Hướng tới bạn mà nói. Thế là tôi lần tìm đến thơ các anh để đọc, với mong mỏi tìm hiểu về một vùng thơ. Trước hết là thơ Trần Ngọc Tuấn.

1- CHO TÂM THANH BẠCH GIỮA MIỀN PHÙ HOA

Trần Ngọc Tuấn sống ở một trong những trung tâm công nghiệp lớn vào bậc nhất nước.Nhịp sống phố phường nhân lên bởi nhịp sống công nghiệp. Sôi động và năng động. Con người dễ bị cuốn theo dòng chảy của nó. Đôi khi ta không khỏi ngơ ngác trước sự đổi thay đến chóng mặt của đời thường:
Hỏi em – Em đã đi rồi
Hỏi nhà – Đổi chủ
Hỏi người – Người quên
Hỏi đường – Đường mới thay tên
Hỏi cây – Cây đứng lặng nhìn xa xôi
Câu kết của bài thơ thảng thốt đến rợn người: Hay tôi đã hóa ai rồi? Hoài nghi sự tồn tại của mình, còn gì bi thảm hơn thế? Bởi vậy, tôi có thể hiểu được nỗi cô đơn của một người nhạy cảm như anh:
Xòe năm ngón cô đơn
Che mái đầu phiền muộn
Năm ngón như sao trời
Soi hồn ta lốm đốm
Đừng có e ngại. Ý thức được nỗi cô đơn là sẽ biết cách để chế ngự được nó. Nhưng sao cứ thấy xót xa làm vậy! Bởi chế ngự được nỗi cô đơn mà không buông mình, mất mình giữa dòng đời trôi nổi mới là chỗ cần phải đến. Xem kìa, có người không chịu nổi, đã hóa điên: Có một gã điên / Ra sông uống nước / Phố phường thờ ơ / Thân quen ơ hờ / May còn dòng sông / Hiểu gã lơ mơ… Vâng, may còn dòng sông. Tôi có nhiều dịp hàn huyên cùng bạn văn ở Biên Hòa. Hoặc là về chiều, hoặc là về đêm.Và bao giờ cũng thế, ngay cạnh dòng sông ấy:
Bóng hoa một thoáng vờn chân
Sông bần thần chảy, nắng ngần ngừ tan.

Mỗi khi nhớ về các bạn ở Sông Phố, tôi lại ngâm nga bài Những buổi chiều bên sông Đồng Nai của Trần Ngọc Tuấn. Nhớ nhất là câu:
Người lơ ngơ giữa mây trời
Tôi cơn gió lạ không mời mà sang
.
Tôi nhận ra ngay dáng lơ ngơ đáng yêu của chính anh chứ đâu phải của người khác. Riêng cơn gió lạ thì không sai, đúng là anh rồi! Cũng rất đúng với những tâm hồn nghệ sĩ như anh. Tôi cứ bần thần tự hỏi, thành phố Biên Hòa sẽ ra sao nếu không có dòng sông êm đềm kia, và cả những cơn gió lạ này nữa – cơn gió thổi đến từ thơ ca, do chính thơ ca đem lại. Anh có lý để viết:
Ẩn mình trong cõi thiên nhiên
Lặng thầm gửi đóa trinh nguyên cho đời.
Người ta thường ưa thích những gì mình không có hay mình còn thiếu. Giữa đô thành náo nhiệt, cảnh trí thiên nhiên là cái thiếu nhất. Để tìm được sự bình lặng về tinh thần, ta phải tìm đến núi sông, trăng hoa, cây cỏ… Tôi biết vì lẽ gì mà Trần Ngọc Tuấn lại đặt tên tập thơ thứ 2 của mình là Giữa cỏ với lời đề từ:
Có những giấc mơ hóa bướm
Tôi chỉ mong là cỏ dưới chân đèo
.
Rồi ngay việc chọn tên cho tập thơ mới nhất, anh cũng đã tìm đến Con mắt dã quỳ, với tuyên ngôn thể hiện một xác tín không kém:
Biết thân hoa dại bên đình
Cũng xin vắt kiệt hồn mình mà thơm

Chớ cho là tầm thường, cái thân phận của cỏ dại, hoa dại. Cách đây vài tháng, tôi được hưởng một hạnh phúc bất ngờ khi đắm mình trong phòng trưng bày 110 bức ảnh nghệ thuật về hoa dại của nghệ sĩ nhiếp ảnh MPK. Ở thành phố tôi ở, chả ai lạ gì cái anh chàng suốt ngày lang thang khắp ngóc ngách của Đà Lạt. Anh đi săn lùng cái đẹp, những cái đẹp nhỏ nhoi, dễ bị bỏ qua trong con mắt của người đời. Với Trần Ngọc Tuấn, chắc chắn còn thêm những nguyên cớ khác. Nếu không sao anh lại có thể viết:
Lạy hừng đông tới đêm tàn
Có nghe tôi lạy giữa miền cỏ ru
Nguyên cớ ấy có lẽ nằm ở câu mở đầu:
Lạy em giũ sạch muộn phiền
Cho tâm thanh bạch giữa miền phù hoa
Tôi còn tìm thấy trong câu thơ khác ở bài thơ Nhớ thị thành:
Ai thiền định giữa phù hoa?
Ai đang đốn ngộ? Ai sa bụi lầm?
Tâm có trong sạch mới có thể tĩnh tâm mà cảm nhận được những cái mong manh vô thường dễ biến mất như ánh trăng này:
Trăng leo qua đỉnh Tháp Chàm
Gió ơi gió… nhẹ, kẻo làm trăng rơi!

Hay dễ bay như mưa bụi kia:
Mỏi gót về ngồi bên Thành Nội
Cụng ly cùng mưa bụi Hoàng Cung
Anh sung sướng đến đê mê khi qua đêm bên Suối Lồ Ồ, là bởi:
Bôn ba qua xứ muộn phiền
Mấy khi thỏa giấc giữa miển cỏ hoa

Quả đúng là xứ tiên giữa cõi trần. Phải là một người từng bị bụi hồng bao phủ như anh mới thấm thía được nỗi thanh thản nhường ấy.

2 – PHIÊU DU TÀI TỬ ĐA ĐOAN KHỐI TÌNH

Đây là câu thơ Trần Ngọc Tuấn viết về thi sĩ Tản Đà mà sao tôi nghe như anh đang biểu hiện chính con người mình. Nghĩ về anh, và cả về thơ anh, chừng như không thể nghĩ khác. Ngày bận rộn bao chuyện cơm áo đời thường, anh thức cùng đêm. Những câu thơ bừng sáng : Đêm / chữ thắp lửa / lóe trang / bập bùng. Tâm hồn anh như hoa quỳnh ngậm nắng để có thể bừng sương vào đêm vắng. Tìm đến thơ hay, cái hay của thứ thơ đích thực kia, anh biết chẳng dễ dàng gì. Nhất là giữa lúc này :
Chợ văn sớm nắng chiều mưa
Mua danh dơ dáng, dạ thưa dại hình

Chỉ những ai nguyện sống chết với nghề thì mới ngổn ngang trong lòng trước chợ trời văn chương, chữ nghĩa đến thế. Và tôi nghĩ là Trần Ngọc Tuấn đã tìm được câu trả lời xác đáng :
Thơ như điệu múa ẩn mình trong đá
Nghìn năm không xóa nổi nét tay run
Người ta hay nói tới khả năng lạ hóa của thi sĩ. Hóa lạ mọi thứ để tay run. Muốn được vậy, anh phải biết lắng nghe tiếng nói của lòng mình, khi được thật sự là mình.Trần Ngọc Tuấn Tự vấn một cách chân thực: Sông mải miết / Mơ giấc mơ biển cả / Khi là biển rồi / Sông có là sông?. Vận vào mình, anh viết tiếp: Tôi lênh đênh / Mơ ngày cập bến / Khi cập bến rồi / Tôi có là tôi? . Tìm được mình rồi, lại phải lo giữ mình nữa chứ. Nhưng trước hết và trên hết là nỗi lo sợ chính đáng này:
Ta chỉ sợ tâm hồn ta lịm tắt
Giọt mực buồn lăn lóc giữa trang thơ
Thế là, rất tự nhiên, Trần Ngọc Tuấn đi tìm sự giao cảm trong tình yêu :
Nợ người con mắt lá răm
Trái tim xin trả trăm năm ngục tù
Nhất là anh đi tìm sự sẻ chia trong tình bạn. Có lúc anh lớn tiếng tuyên bố :
Ta chỉ sợ bạn bè ta lạnh nhạt
Đôi mắt dửng dưng là bản án tử hình
Có lẽ vì cường điệu quá nên khó tin. Tựa như một lần anh có dịp Uống rượu ở Tây Nguyên. Khi đãi khách phép làng rượu cần sánh ché / Trinh nữ nai hoang mắt ướt ngực trần, anh không ngần ngại cao hứng bày tỏ : Xin đổi nửa đời một đêm gửi rể, và đã được (hay bị) Già làng khề khà : - Kẻ chợ khó tin. Kể ra cũng khó tin thật ! Trong văn chương cũng như trong cuộc đời, mọi thứ đều cần có chừng có mực. Kẻ thông minh bao giờ cũng nhạy cảm với giới hạn. Vượt quá độ, người ta dễ sinh nghi. Riêng câu thơ này thì không thể nghi ngờ :
Bao người đến, bấy trái ngang
Tôi xin làm suối giải oan cho mình
.
Một người đàn ông cao thượng. Riêng cho một người anh ta hiểu. Hoài nghi anh sao được ! Tội chết. Đặc biệt, tâm trạng được giãi bày trong bài Vẽ núi thì tôi chắc mọi người cũng sẽ tin như tôi:
Bạn đi gửi lại tiếng cười
Tôi ngồi vẽ núi lạnh mười ngón tay
Có người thích những câu thơ tài hoa của Trần Ngọc Tuấn như: Em như sông Hương lững lờ chi rứa / Tôi chôn chân thêm mố nhịp Tràng Tiền. Tôi thì thích những câu thơ rút ruột, trần trụi mà rung động này : Trắng đêm vàng mắt dã quỳ / Giọt sương hạt lệ nhòe đi mặt người. Anh viết về nỗi đau mất bạn. Mà người đó là ai ? Là Nguyễn Đức Thọ, một nhà văn mệnh yểu, nhưng tôi dám chắc văn sẽ thọ, vì lúc còn sống anh biết vì người khác, nên khi mất, người đời sẽ không quên anh.
Nghĩ về bạn văn, với Trần Ngọc Tuấn, là một dịp nghĩ về mình :
Bạn giờ dằng dặc trăng treo
Tôi còn thất bát gặt gieo vụ đời
Nhất là dịp tốt để nghĩ về đời văn của mình :
Bạn giờ xanh cỏ nghìn năm
Tôi còn lận đận kiếp tằm nhả tơ
Ý thơ không mới, nhưng ý nguyện thì đáng trọng. Bạn bè hoàn toàn có thể kỳ vọng vào anh…

Đà Lạt, 4-2003

PHẠM QUANG TRUNG

*Bài viết được đăng trong tác phẩm THỨC CÙNG TRANG VIẾT (PHẠM QUANG TRUNG) NXB VĂN HỌC, 2003.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét