CÓ MỘT NGƯỜI THƠ
(Đọc Giữa cỏ và Chân chim hóa thạch của Trần Ngọc Tuấn )
VŨ NHO
Thơ Trần Ngọc Tuấn gây ấn tượng khá mạnh về một người thơ. Đấy là một chàng trai thích rong chơi, thích phiêu du.” Vẹt gót giày nẻo đường cát gió. Một đời xuân rắc mà chơi. Rỡn chơi một đi rong. Lãng du tình suối hồn khe. Lắng đắng người về căn gác tịch. Ta đã chọn một đời làm lữ khách. Nẻo đi về quên nhớ phủ rong rêu”…
Nhưng ở đây chỉ là thoạt ấn tượng. Còn có một người thơ khác cần cù chăm chỉ, bôn ba lăn lóc với cuộc đời. Anh chàng phiêu bồng lãng tử kia chơi có lúc, có khúc, có mùa. Có chơi hoang thì cũng lựa khi năm cùng tháng tận, trốn nhà. Có hưởng lạc thú “ Chăn mây đắp tạm mơ hồ dáng tiên “, ở cạnh suối Lồ Ồ cũng chỉ là thảng hoặc “ Mấy khi thỏa giấc giữa miền cỏ hoa “ . Còn thì con người “ Phiêu du tài tử đa đoan khối tình “ noi dấu Tản Đà đó là con người đang vần vật, lặn ngụp trong “ Quán đời sấp ngửa bán mua “. Anh ta đang phạc phờ chạy gạo từng lon: Nuôi thơ, nuôi vợ, nuôi con, nuôi mình. Nuôi anh ta thì đơn giản ở cái ăn, khó khăn ở đồ uống: Khát thời có rượu, đói thời có thơ. Nhưng nuôi thơ đâu có giản đơn, nếu không nói là khó hơn nhiều so với nuôi con, nuôi vợ. Đã hết đâu, còn bao nhiêu nghĩa vụ anh phải làm. Anh làm phận sự người tình: Cũng vì một chữ nhân duyên. Xa cha biệt mẹ buông thuyền theo em! Anh làm trách nhiệm, nghĩa vụ người cha trước nhà bảo sanh: Hạnh vuông phúc tròn bồng bế hai tay. Anh làm nhiệm vụ của người bạn chân thành, thủy chung: Chắt chiu được ít tiếng cười – San san sẻ sẻ cho người đồng tâm. Làm gì, ở đâu anh cũng không quên bổn phận của một người con hiếu thảo: Dáng còng của mẹ, dấu hỏi đời con…
Người thơ ấy nhiều khi thấm nỗi cô đơn: Mình tôi lặn ngụp buồn leo lắt buồn ( Phiêu bồng mấy độ). Tôi còn thất bát gặt gieo vụ đời ( Cuối năm thăm mộ bạn) . Tôi ngồi vẽ núi lạnh mười ngón tay ( Vẽ núi )…
Cái hay, sự cuốn hút của thơ Trần Ngọc Tuấn là ở chỗ người thơ mặc dù chìm nổi trong cõi đời bon chen, quán đời sấp ngửa, làm đủ các phận sự khó khăn của một người có trách nhiệm, nhưng mà vẫn vượt thoát ra, vẫn thăng hoa được để phiêu bồng mấy độ, để giũ sạch muộn phiền.Cho tâm thanh bạch giữa miền phù hoa…
Nhập vào cuộc đua chen sấp ngửa mà vẫn ung dung phiêu bồng, lăn lóc giữa bon chen mà không lấm bụi. Tính cách đó ảnh hưởng và để dấu in trên sự hoài niệm tiền nhân. Những bài thơ kiểu Thương nhớ tài hoa (Nguyễn Vũ Tiềm), trong đó Trần Ngọc Tuấn muốn tìm sự đồng điệu người xưa với mình. Anh nhấn mạnh cái tính “ngang tàng“, cái sự “ngất ngưởng”, cái máu “đa đoan”, cái bệnh “phiêu nhiên”, cái thú “rong chơi”. Nghĩa là những gì anh thấy đồng thanh đồng khí. Hình như gần gũi với anh hơn cả là thi sĩ Tản Đà, người đệ tử Lưu Linh, người đa đoan khối tình và hết mình vì thơ phú. Tản Đà tiên sinh từng tuyên ngôn :”Không thơ, không rượu sống như thừa”. Hẳn là trong thâm tâm, Trần Ngọc Tuấn đã đầu quân dưới lá cờ “thi tửu”.
- Áo cơm sở đoản, rượu thơ sở trường
- Khát thời có rượu, đói thời có thơ.
Nhà thơ uống rượu theo kiểu Văn Cao: Rượu trần một chén nhâm nhi. Nhưng khi cao hứng lên anh “Cụng ly cùng mưa bụi Hoàng Cung” và men đã thấm “Rượu uống quên say”. Cả trong cõi chiêm bao còn rượu (Rượu chiêm bao).
Người thơ coi đời là cuộc chơi không nhằm lỗ lã. Nhưng chơi đẹp là điều bao giờ anh cũng bận tâm. Nếu đời là chợ đời thì thơ cũng thế. Cũng là một cái chợ “Chợ văn sớm nắng chiều mưa”. Với đời, với thơ, Trần Ngọc Tuấn đều nhiệt tình, đều hết mình. Sự dấn thân vào đời cũng có nghĩa là dấn thân vì thơ “Ta giã nhà từ độ bóng thơ qua” Rồi từ đấy:
- Ngọt ngào dành trọn cho thơ
- Lời thơ đậm quá chữ tình
Nên thân xác tướp xơ hình cỏ lau.
Anh đêm ngày nghiền ngẫm đường cơ, tạo ra các bài thơ cô đúc, các lời thơ rưng rức: đi lâu lắc, thăn thắt ruột gan, biệt biệt lời hoa, lơ ngơ con nước… Thơ anh gây ấn tượng.
Cổ ngữ có câu: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Nếu giời không có ý bắt làm thi sĩ thì… cứ mặc. Chỉ biết Trần Ngọc Tuấn hết lòng vì thơ, vì bạn đồng tâm, bạn tri âm. Thông điệp xanh của anh ở giữa cỏ, trong chân chim hóa thạch, trong thơ anh…sẽ gửi lại mai sau. Nỗi buồn nhân chứng. Rằng có một người thơ…
Hà Nội, mùa hè 1999
VŨ NHO
(Đọc Giữa cỏ và Chân chim hóa thạch của Trần Ngọc Tuấn )
VŨ NHO
Thơ Trần Ngọc Tuấn gây ấn tượng khá mạnh về một người thơ. Đấy là một chàng trai thích rong chơi, thích phiêu du.” Vẹt gót giày nẻo đường cát gió. Một đời xuân rắc mà chơi. Rỡn chơi một đi rong. Lãng du tình suối hồn khe. Lắng đắng người về căn gác tịch. Ta đã chọn một đời làm lữ khách. Nẻo đi về quên nhớ phủ rong rêu”…
Nhưng ở đây chỉ là thoạt ấn tượng. Còn có một người thơ khác cần cù chăm chỉ, bôn ba lăn lóc với cuộc đời. Anh chàng phiêu bồng lãng tử kia chơi có lúc, có khúc, có mùa. Có chơi hoang thì cũng lựa khi năm cùng tháng tận, trốn nhà. Có hưởng lạc thú “ Chăn mây đắp tạm mơ hồ dáng tiên “, ở cạnh suối Lồ Ồ cũng chỉ là thảng hoặc “ Mấy khi thỏa giấc giữa miền cỏ hoa “ . Còn thì con người “ Phiêu du tài tử đa đoan khối tình “ noi dấu Tản Đà đó là con người đang vần vật, lặn ngụp trong “ Quán đời sấp ngửa bán mua “. Anh ta đang phạc phờ chạy gạo từng lon: Nuôi thơ, nuôi vợ, nuôi con, nuôi mình. Nuôi anh ta thì đơn giản ở cái ăn, khó khăn ở đồ uống: Khát thời có rượu, đói thời có thơ. Nhưng nuôi thơ đâu có giản đơn, nếu không nói là khó hơn nhiều so với nuôi con, nuôi vợ. Đã hết đâu, còn bao nhiêu nghĩa vụ anh phải làm. Anh làm phận sự người tình: Cũng vì một chữ nhân duyên. Xa cha biệt mẹ buông thuyền theo em! Anh làm trách nhiệm, nghĩa vụ người cha trước nhà bảo sanh: Hạnh vuông phúc tròn bồng bế hai tay. Anh làm nhiệm vụ của người bạn chân thành, thủy chung: Chắt chiu được ít tiếng cười – San san sẻ sẻ cho người đồng tâm. Làm gì, ở đâu anh cũng không quên bổn phận của một người con hiếu thảo: Dáng còng của mẹ, dấu hỏi đời con…
Người thơ ấy nhiều khi thấm nỗi cô đơn: Mình tôi lặn ngụp buồn leo lắt buồn ( Phiêu bồng mấy độ). Tôi còn thất bát gặt gieo vụ đời ( Cuối năm thăm mộ bạn) . Tôi ngồi vẽ núi lạnh mười ngón tay ( Vẽ núi )…
Cái hay, sự cuốn hút của thơ Trần Ngọc Tuấn là ở chỗ người thơ mặc dù chìm nổi trong cõi đời bon chen, quán đời sấp ngửa, làm đủ các phận sự khó khăn của một người có trách nhiệm, nhưng mà vẫn vượt thoát ra, vẫn thăng hoa được để phiêu bồng mấy độ, để giũ sạch muộn phiền.Cho tâm thanh bạch giữa miền phù hoa…
Nhập vào cuộc đua chen sấp ngửa mà vẫn ung dung phiêu bồng, lăn lóc giữa bon chen mà không lấm bụi. Tính cách đó ảnh hưởng và để dấu in trên sự hoài niệm tiền nhân. Những bài thơ kiểu Thương nhớ tài hoa (Nguyễn Vũ Tiềm), trong đó Trần Ngọc Tuấn muốn tìm sự đồng điệu người xưa với mình. Anh nhấn mạnh cái tính “ngang tàng“, cái sự “ngất ngưởng”, cái máu “đa đoan”, cái bệnh “phiêu nhiên”, cái thú “rong chơi”. Nghĩa là những gì anh thấy đồng thanh đồng khí. Hình như gần gũi với anh hơn cả là thi sĩ Tản Đà, người đệ tử Lưu Linh, người đa đoan khối tình và hết mình vì thơ phú. Tản Đà tiên sinh từng tuyên ngôn :”Không thơ, không rượu sống như thừa”. Hẳn là trong thâm tâm, Trần Ngọc Tuấn đã đầu quân dưới lá cờ “thi tửu”.
- Áo cơm sở đoản, rượu thơ sở trường
- Khát thời có rượu, đói thời có thơ.
Nhà thơ uống rượu theo kiểu Văn Cao: Rượu trần một chén nhâm nhi. Nhưng khi cao hứng lên anh “Cụng ly cùng mưa bụi Hoàng Cung” và men đã thấm “Rượu uống quên say”. Cả trong cõi chiêm bao còn rượu (Rượu chiêm bao).
Người thơ coi đời là cuộc chơi không nhằm lỗ lã. Nhưng chơi đẹp là điều bao giờ anh cũng bận tâm. Nếu đời là chợ đời thì thơ cũng thế. Cũng là một cái chợ “Chợ văn sớm nắng chiều mưa”. Với đời, với thơ, Trần Ngọc Tuấn đều nhiệt tình, đều hết mình. Sự dấn thân vào đời cũng có nghĩa là dấn thân vì thơ “Ta giã nhà từ độ bóng thơ qua” Rồi từ đấy:
- Ngọt ngào dành trọn cho thơ
- Lời thơ đậm quá chữ tình
Nên thân xác tướp xơ hình cỏ lau.
Anh đêm ngày nghiền ngẫm đường cơ, tạo ra các bài thơ cô đúc, các lời thơ rưng rức: đi lâu lắc, thăn thắt ruột gan, biệt biệt lời hoa, lơ ngơ con nước… Thơ anh gây ấn tượng.
Cổ ngữ có câu: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Nếu giời không có ý bắt làm thi sĩ thì… cứ mặc. Chỉ biết Trần Ngọc Tuấn hết lòng vì thơ, vì bạn đồng tâm, bạn tri âm. Thông điệp xanh của anh ở giữa cỏ, trong chân chim hóa thạch, trong thơ anh…sẽ gửi lại mai sau. Nỗi buồn nhân chứng. Rằng có một người thơ…
Hà Nội, mùa hè 1999
VŨ NHO
*Bài viết được đăng trong tác phẩm ĐI GIỮA MIỀN THƠ - NXB VĂN HÓA THÔNG TIN ,2001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét