Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2011

NGUYỄN LÂM : TRẦN NGỌC TUẤN - LẠC ĐÀ TRÊN " CON ĐƯỜNG TƠ LỤA - THƠ"






TRẦN NGỌC TUẤN – LẠC ĐÀ TRÊN “CON ĐƯỜNG TƠ LỤA - THƠ “

NGUYỄN LÂM

Tôi gặp Trần Ngọc Tuấn vào một dịp tết cách đây gần chục năm ( 1994) . Lúc đó tôi đang ngồi ở nhà Hoàng Nhuận Cầm, phố Hàng Bún. Cả năm không gặp nhau, hai đứa đang hàn huyên chuyện trên trời dưới đất bên chén cuốc lủi trong vắt thì ào vào tiếng cười ròn tan, rồi đến chiếc áo blu-dông đầy bụi mưa, sau cùng đến một khuôn mặt trắng trẻo, nhẵn nhụi, để nhô ra cặp kính trắng gọng vàng phía trước và chỏm tóc cong ra phía sau hệt gã cao bồi Viễn Tây hoạt hình Lucky Luke. Và loáng một cái, những lát thịt heo quay Hàng Buồm vàng rộm,thơm phức đã nghễu nghện trên tấm lá chuối giữa chiếu.Để rồi ào ạt tuôn ra những “Chân quen lối cũ – Lạc về cõi xưa – Hoa em vừa độ - Nai tôi lạc rừng…” và “Chợt mai. Chợt ngọ. Chợt hoàng hôn – Biệt biệt lời hoa khúc họa hồn” …
Vào cái lúc “San san sẻ sẻ cho người đồng tâm” ít tiếng cười chắt chiu được từ những khi “Tất bật thăng trầm xuôi ngược” đó của Trần Ngọc Tuấn (giờ đây tôi đã biết anh bỏ biển quê xứ Quảng vào lập nghiệp ở bờ Sông Phố), con “Xúc xắc mùa thu” của Cầm đã xoáy vòng ra quán bia bình dân ngoài hè đường. Trong cơn gió mùa đông bắc buốt giá, những ly bia hơi lạnh lại sưởi ấm người. Bây giờ thì Trần Ngọc Tuấn đã đứng nhiều hơn ngồi, liên tục cụng ly, liên tục hát thơ; giữa cơn gió buốt đậm khuya Cửa Bắc mà Trần Ngọc Tuấn cứ để cho “Trăng leo qua đỉnh Tháp Chàm “ rồi gọi : “Gió ơi gió… nhẹ, kẻo làm trăng rơi!”. Cầm vốn chẳng phải kẻ kém miệng trong bất cứ cảnh huống nào, vậy mà lúc này gã chỉ cung tay mà cười khào khào. Một phần là vì gã đang đối diện với một cuộc tình mới , cô bé xứ biển Hòn Gai có cái tên rất đẹp, Điệp Vân (nay đã trở thành diễn viên màn bạc có hạng ở Hà Thành), đang ngồi khép nép bên cột điện, mỗi lần tôi giơ máy ảnh lên cô lại vội đưa tay che mặt. Phần khác, mà là phần chính, là sự thăng hoa thơ của Trần Ngọc Tuấn đã làm cho cái “Thế cuộc đỏ đen đời sáu mặt – Lung linh trong đáy mắt nhân tình”.
Không chỉ Hoàng Nhuận Cầm và tôi, nhiều đồng nghiệp khác cũng đã từng bị lây cái sôi động hồn nhiên của Trần Ngọc Tuấn. Tôi thấy được điều này ở cuộc gặp mặt sau đó mấy hôm, trước khi Trần Ngọc Tuấn trở về nhiệm sở ở Biên Hòa. Bữa đó, ở tại một quán đặc sản dê cũng tại Cửa Bắc, sau phần nhấc lên đặt xuống nhiều lần chén rượu “thang thuốc Minh Mạng”, đến đoạn “Người tìm người” nhả thơ mà người khai cuộc đương nhiên “khách phương xa kiêm chủ xị”. Giữa toàn những bộ mặt nam nhi ngầu như Trần Quang Quý, Nguyễn Sĩ Đại, Hoàng Nhuận Cầm, Hữu Việt… mà anh chàng thư sinh họ Trần nhỏ thó này không ngán lại đi quỳ “Giữa cỏ” mà lạy một cô gái vô danh nào đó:
Lạy em giũ sạch muộn phiền
Cho tâm thanh bạch giữa miền phù hoa
Lạy em bớt tiếng chua ngoa
Đời cay đắng lắm lại qua làm gì
Lạy em hãy ít so bì
Trăm năm rồi cũng bay đi úa vàng
Lạy hừng đông tới đêm tàn
Có nghe tôi lạy giữa ngàn cỏ ru

Ở văn cảnh đó, chẳng ai trốn được cái việc mở miệng nhả văn vần.(Tôi tính đánh bài chuồn mà không xong. Trần Ngọc Tuấn đã kịp moi trong túi tôi bức chân dung tôi mới vẽ bằng chữ cô bạn gái lâu ngày mới gặp lại,ở một quán trong “làng tuất Nhật tân” tối hôm trước, cùng với đám bạn văn xuôi Nguyễn Quang Lập , Bảo Ninh, Phạm Xuân Nguyên: “tóc cứ lệch – áo đen thành trắng – trong đêm nhao nhác – người cười – đắng khung trời – đâu ai hờn dỗi – lỗi hẹn rồi – men xưa thiêm thiếp – kẻ không nhà lang thang phố cũ – đường đang đen trăng quét trắng lòa – em đăm đẵm bên bờ khuya thẳm – rét chợt về - Hồ Tây lặn sóng – chút chênh chao – giọt mịn nhòa mây”)…
Sau này khi trở về Sài Gòn với nhịp sống gấp gáp của đời thường, tôi mới thật sự hiểu công việc đang làm của Trần Ngọc Tuấn. Nó thuộc lĩnh vực hầu như đối nghịch với thơ – một đơn vị kinh tế - chỉ cần xao lãng việc tính toán một chút thôi là đủ để… sập tiệm! Vậy Trần Ngọc Tuấn đã làm thế nào để cân bằng được hai đối cực đó ? Một kế toán trưởng dù đã cao giọng tự nhận mình “trót dại xem tiền như vỏ hến”, ngày ngày vẫn “Bon chen giữa chốn chợ đời – tiền trao cháo múc ngọt lời đẩy đưa” và đóng góp phần công sức không nhỏ cho cái công ty đầu tư nước ngoài của anh làm ăn ngày càng khấm khá, tiền mẹ đẻ tiền con, phát triển từ Đồng Nai qua Bình Dương, tới thành phố Hồ Chí Minh… Để rồi đêm đêm trở về “Nhà ta ở cuối chân trời – Khát thời có rượu, đói thời có thơ” mà “Thức cùng góa bụa – Nghe núi đá rùng mình” hoặc “Năm canh thương nhớ bốn mùa xa xăm”. Hoặc nữa, có khi lại là để thả các giấc mơ kỳ quặc “Rẽ sóng đi cưới con vua Thủy tề” hay hóa thành gã điên “ra sông uống nước – phố phường thờ ơ”… Những giấc mơ hư mà thực đó đã kết tinh thành những câu thơ lạ, những vần thơ hay, tụ thành các tập “Giữa cỏ”(1996), “Chân chim hóa thạch” (1998), “Con mắt dã quỳ” (2000).
Với tôi lúc này, gặp mặt Trần Ngọc Tuấn đã là chuyện thường xuyên. Ở giữa Sài Gòn có một địa chỉ quen thuộc đối với khá đông người ở mọi tầng lớp (từa tựa quán Trúc Viên ở phố Trần Hưng Đạo – Hà Nội ). Đó là Quán Trúc ở đường Lê Quý Đôn – bảng hiệu là bụi trúc trước cửa, chỗ ngồi ở vỉa hè đầy bụi, nắng thì bức, mưa thì ướt nhẹp, ăn thì không ngon, đồ uống cao hơn mức bình dân, nhân viên phục vụ đều là đám nhóc mới ở quê lên, thường mải chơi mà quên khách. Nghĩa là chả được một nết nào ! Vậy mà từ sáng tới tối, khách cứ đông nghìn nghịt. Tôi thích ngồi một mình ở đó, viết bài hoặc chỉ để hóng gió, ngó người qua lại chẳng sợ ai quấy rầy. Công việc làm ăn đưa Trần Ngọc Tuấn về Sài Gòn mỗi tuần chừng hai ba lần. Những hôm ấy, buổi trưa, xe Trần Ngọc Tuấn thường chạy qua Quán Trúc không thấy ai quen thân ( tôi hoặc Hoài Anh …) mới tấp vào Quán 81 – tụ điểm ồn ào của đủ loại “nghệ sĩ “, “gừng sĩ” như Trần Ngọc Tuấn từng miêu tả khá đặc sắc :
Có gã xa quê buồn như đá
Một bàn…Một ghế…Một tha hương”
“Có gã thất tình ngồi nói mớ
U ơ… ú ớ…lú hồn thơ”
“Có gã giận đời ngồi nói nhảm
Gió như mây thảy thảy ơ hờ”
“Có gã lên gân xưng hùng bá
Chưa ra quân xếp bộ cuốn cờ

Mỗi khi gặp nhau, bao giờ Trần Ngọc Tuấn cũng làm thủ tục chào bàn bằng mấy “ve” trào bọt, tiếp đến là những “vần nhớ” dành cho các bậc thi hào, thi bá đã khuất. Và thế là, giữa trưa hè oi bức đầy bụi và tiếng ồn, những “vọng chiều tím bóng hoa mua”, những “vọng đêm run rẩy giọt mưa nghẽn rừng”…đã hóa thành những ngọn gió lang thang quanh bụi trúc, rồi “nổi bão tốc chân mày”.
Đâu chỉ có vậy? Còn có rất nhiều khuya, dù còn thức hay đã ngủ, tôi cứ bị cái hồi chuông điện thoại kinh dị ấy “quấy rối tình bạn”. Thay cho câu quy ước là nửa câu lục bát: “Đêm ngày nghiền ngẫm đường cơ!”. Thế là tôi phải xuất ra mấy câu “thơ man” mới của mình, hoặc trân mình ra cho y ví là con dế: “Bao phen mỏi mệt tiếng người – về chơi với dế cho đời lêu têu”…
Nhắc đến Trần Ngọc Tuấn mà chỉ nói đến thơ e rằng không đủ. Như ở nửa sau câu chào điện thoại “Áo cơm sở đoản. Rượu thơ sở trường”, Trần Ngọc Tuấn nhận mình còn mạnh cả về khoản rượu nữa. Tửu lượng của Trần Ngọc Tuấn thế nào tôi còn chưa rõ, chứ “bia lượng” của y thì đáng được xếp vào hàng cao thủ. Nhiều lần ở Quán 81, tôi thấy y đi khắp các bàn cụng ly “trăm phần trăm” mấy lượt mà bước chân không hề loạng choạng, mà lưỡi không hề líu. Chỉ một lần ở đây, vào lúc tối trời (nghĩa là sang “hiệp phụ”) chân y mềm xìu, không đứng dậy nổi. Chỉ một lần, cũng vào lúc xế chiều, cũng ở “hiệp phụ” tại quán Trống Đồng (chủ quán là một nhà thơ và khách thường xuyên là những người làm thơ thích được gọi là “thi sĩ mô-đẹc”), có một thi sĩ không mô-đẹc lên giọng bề trên, thế là Trần Ngọc Tuấn cầm vỏ chai bia đập vào tường quán. Cả hai lần này tôi đều bốc y cùng xe máy của y lên taxi về “Cõi yêu” của y…
Bây giờ, đối với Trần Ngọc Tuấn, áo cơm cũng đã thành sở trường. Công việc làm ăn đã thành nền thành nếp, đâu vào đấy. Vẫn còn đầy rẫy những cú điện thoại kinh dị ban khuya nhưng đã thưa đi những chuyến phiêu lưu vặt ở Quán 81, Trống Đồng (Quán Trúc đã bị bứng đi như Quán Trúc Viên). Thời gian Trần Ngọc Tuấn dành cho thơ đã nhiều hơn hẵn trước, câu chữ được trau chuốt kỹ hơn, ý tưởng thơ mở rộng hơn, đặt ra nhiều vấn đề hơn. Song chính cái sự “cân bằng sinh thái” đó (cái gì cũng là sở trường) đã làm mất đi phần nào cái chông chênh trong cảm xúc, trong tâm tưởng của Trần Ngọc Tuấn, yếu tố không thể thiếu để tạo thành một tác phẩm nghệ thuật. Ở “Con mắt dã quỳ”,những cấu trúc hợp lý, những mở - kết đối xứng chặt quá, những lý sự về đời, về thơ ồn ào quá, không còn sự cuốn hút bất ngờ như “Chân chim hóa thạch” trước đây.
Có thể tôi nói quá lời. Bởi Trần Ngọc Tuấn vẫn còn nguyên “Tiếng vọng lạc đà “ – đường cơ đang được nghiền ngẫm hằng đêm. Trần Ngọc Tuấn hay nhắc đến sa mạc:
Tình đơm một đóa xương rồng
Ta sa mạc trắng. Em hồng nét hoa

" Mượn tiếng gió trên sa mạc
Để trang trải cô đơn
".
Bởi anh rất thích hình tượng "con đường tơ lụa’’. Sa mạc có thể hiểu theo nghĩa cuộc đời đầy khổ ải gian truân. Nhưng lại có ‘’Con đường tơ lụa ‘’ chạy xuyên sa mạc, con đường của kinh tế và văn hóa, con đường của phồn vinh và văn minh ! Và chỉ có lạc đà là sinh vật có thể đi được từ đầu đến cuối con đường này. Trần Ngọc Tuấn muốn dùng hình ảnh lạc đà để ví với mình và con đường thơ của anh chính là "Con đường tơ lụa’’. Một so sánh lạ và hay. Và trước mắt anh, "Con đường tơ lụa – thơ " còn rất dài để đi.

Sài Gòn, 28-7-2002

NGUYỄN LÂM

*Bài viết đã đăng trên Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai số 9 ,tháng 1 năm 2003







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét