Thứ Tư, 10 tháng 4, 2013

BÙI CÔNG THUẤN : TRẦN NGỌC TUẤN - NHỮNG CÂU THƠ GIĂNG MẮC TÌNH SON

Trần Ngọc Tuấn: những câu thơ giăng mắc tình son


 
Nhà thơ Trần Ngọc Tuấn
 
Trần Ngọc Tuấn là người thơ tài hoa, người thơ của tình người, tình đời đằm thắm, nhẹ nhàng, tinh tế, mênh mang. Anh giao cảm xâu xa với người thơ xưa, người thơ  nay. Anh đi nhiều, nơi nào anh cũng có những câu thơ giăng mắc tình son, gặp ai anh cũng chia sẻ cái tình nhân gian đau quặn.
Một khúc sông quê
Mẹ mấy lần đưa tiễn
Đêm không trăng
Gió buốt
Sông gầy
Mẹ nhóm bếp
Khói bay
Nhòa ngõ
Tiếng ai qua
Cũng ngỡ buớc con về
       (Mẹ - Chân Chim Hóa Thạch)
Tôi ngồi tím giọt mưa ngâu
Người ngồi nâng chén bên cầu sông Ngân
Bể dâu ai cũng một lần
Khổ đau cũng chỉ đến ngần ấy thôi
Chúng sinh phách lạc hồn trôi
Thân hoa xác cỏ nhờ tôi tạ lời
            (Rằm Tháng Bảy Nhớ Nguyễn Du- Chân Chim Hoá Thạch) 
Tự mình quẩy gánh trần gian
Đa mang chấm đất, lang thang dính trời
Một đời không đủ rong chơi
Tự mình hóa cỏ luân hồi nỗi xanh
                (Nỗi xanh - Con Mắt Dã Quỳ)     
Bao người đến, bấy trái ngang
Tôi xin làm suối giải oan cho mình
            (Bên Suối Giải Oan – Giữa Cỏ)
Trần Ngọc Tuấn đã xuất bản các tập thơ :Giác quan biển (1994); Giữa cỏ (1996); Chân chim hóa thạch (1998); Con mắt dã quỳ (2000); Gửi dòng sông Đồng Nai (2004). TậpSuối reo (2006) là một bước thăng hoa tư tưởng của anh.
Nếu bạn hỏi tôi rằng tập thơ Suối Reo có gì đặc  sắc? tôi có thể nói ngay điều này, Suối Reo là một tập  thơ Thiền,  nhiều bài đạt đến cái thần của  những bài thơ Thiền trong truyền thống  thơ phương Đông. Đó là một điều lạ, vì Trần Ngọc Tuấn là một nhà thơ trẻ. Những nhà thơ trẻ hôm nay đang loay hoay  thử nghiệm với những cách tân phương Tây, thì Trần Ngọc Tuấn lại tìm về phương Đông, “ thung dung tiếp cuộc đăng trình “.  Ở  Suối Reo, Trần Ngọc Tuấn hiển lộ một cốt cách thơ tài hoa hiếm thấy của thơ trẻ .
Nhưng , dấn thân vào con đường thơ tư tưởng, Trần Ngọc Tuấn phải chọn lựa sự thử thách vượt qua hố thẳm. Cái thiếu lớn nhất của văn chương Việt Nam đương đại nói chung và của thơ nói riêng là thiếu tư tưởng. Nguyễn Huy Thiệp đã từng thốt lên tuyệt vọng: “Khoảng trống ai lấp được trong tư tưởng nhà văn “ ( Sông Hương – Tháng 4 / 1990) . Đã có những thử nghiệm nhưng thất bại.
Tất nhiên Trần Ngọc Tuấn không phải là nhà thơ tư tưởng, nhưng thơ Trần Ngọc Tuấn trong Suối Reo là thơ tư tưởng. Giá trị thẩm mỹ của nó là ở tư tưởng và ở cách thể hiện tư tưởng. Vì thế người đọc chỉ có thể tiếp cận tư tưởng trong thơ Trần Ngọc Tuấn bằng lăng kính của mỹ học Thiền, bằng cái Tâm Bát Nhã và cách đọc thơ vô ngôn. Hơn nữa Trần Ngọc Tuấn có kiểu tư duy thơ rất riêng khiến cho thơ anh không dễ đọc. Nhưng khám phá được thế giới nghệ thuật ấy người đọc sẽ nghe thấy suối reo trong tâm hồn mình
Suối Reo có một sự khác biệt với thơ Thiền truyền thống ở chỗ tác giả của thơ Thiền truyền thống là các Thiền sư, còn  Trần Ngọc Tuấn là nhà thơ hiện đại. Vì thế Suối Reo là thơ của đời ánh lên sắc Thiền, thơ của một con người còn  đang “qua dốc sương mù
Gánh củi qua dốc sương mù
  Mồ hôi giọt gio5t gió ù ù bay
  Nghìn tia nắng dệt trang ngày
 Bước chân hoan hỉ , đêm này lửa reo
Sống là gánh lấy bao nhiêu nỗi vất vả như người gánh củi. Ngày đêm  phải vượt qua con  dốc  sương mù và đương đầu với gió ù ù thổi bay. Với cách nhìn đời như thế, bài thơ thường sẽ chuyển về những tâm tình thở than. Thế nhưng Qua Dốc Sương Mù lại  rực rỡ ánh sáng của sự thăng hoa. Đó không phải là thứ ánh sáng thiên nhiên của nghìn tia nắng, hay ánh sáng của đêm lửa reo, mà là ánh Phật quang. Nỗi vất vả, thống khổ trở thành con đường hạnh ngộ. Người gánh củi kia tự sáng trong “bước chân hoan hỷ ". Bài thơ không còn là sự minh giải cho ý nghĩa hiện thực mà trở thành  khoảnh khắc “đốn ngộ“ khi con người đã vượt qua được “dốc sương mù“ , nhìn đời bằng Trí Huệ Bát Nhã  (Prajna - chữ của nhà Phật).
Nhưng làm sao vượt được “dốc sương mù “ ? Trần Ngọc Tuấn vẫn đang tự hỏi.
“Hỏi thăm người trốn chơi xa
 Mà sao râu tóc phôi pha bụi trần
 Hỏi thăm người biệt giai nhân
Mà sao nhan sắc tần ngần ngóng trông
Hỏi thăm người có hay không
Mà sao chuông vọng âm âm gió mùa “
                          (Hỏi Thăm)
Trần Ngọc Tuấn đã “trốn“ , đã “biệt‘cuộc đời này, trốn biệt những sắc dục giai nhân, thế sao con người ấy vẫn râu tóc phôi pha vì bụi trần, vẫn ngóng trông nhan sắc giai nhân? vẫn mê đắm, không hay, không biết, không nhận ra tiếng chuống thức tỉnh, dù tiếng chuông ấy "vọng âm âm “ trong gió mùa ? Hình hà, thân xác, cuộc đời này nặng nề biết bao, nó trói buộc con người mãi trong cõi vô minh. Hỏi cũng là trả lời. Tiếng chuông thức tỉnh ấy  là tiếng chuông vọng trong tâm, mà dũng lực của nó có sức  khai mở  Tâm Bát Nhã.
Với Tâm Bát Nhã con người sẽ nhận ra  mình đang đánh bắt đời mình.
Chẳng chấp gì bé lớn
  Một mình nghe lặng thinh
 Mây trên đầu luẩn quẩn
Ông ngồi câu bóng mình
                           (Ngồi Câu)
Một ông ngồi câu trong thinh lặng, mây bay trên đầu. Câu chỉ để câu, không cần được cá lớn hay cá bé. Nhưng ngồi mãi chẳng được con cá nào, bóng ông đổ trên cần câu.
 Tất nhiên bài thơ không nói đến việc câu cá. Bỏ cái vỏ ngôn ngữ ấy đi, tư tưởng Thiền bừng sáng lên. Con người luẩn quẩn trong trong chấp, không nhận ra  mình đanh đánh bắt (câu cá) chính mình. Mình vừa là người buông lưỡi câu lại vừa là nạn nhân bị lưỡi câu móc vào. Thực tại hư ảo (câu không được gì) mà điều tìm kiến cũng hư ảo (câu cái bóng).Vậy mà con người lại lẩn quẩn móc dính vào cái hư ảo ấy không sao gỡ ra được.
Bài thơ có thể làm người đọc “ngộ“ ra được điều gì đó về cuộc đời này, về thực tại “thất vọng , vô thường , vô ngã “ (dukkha, aniccaanatta) .
Trong cái thực tại thất vọng ,vô thường,  vô ngã ấy, con người còn lại gì?
Đất nứt nẻ đồng khô mùa khát
Ta còn gì ngoài nắng lặng im
Tâm địa chấn rung rùng biển động
Ta còn gì ngòai sóng lặng xô
Mưa trút nước lũ tràn đê vỡ
Ta còn gì ngoài mây lặng trôi
Cây trụi lá trơ thân giông bão
Ta còn gì ngoài gió lặng yên
Mùa cuối đông vườn không ong bướm
Ta còn gì ngoài hoa lặng rơi
Chuyến hạnh phúc còn không vé vớt
Ta còn gì ngoài em lặng đau
Thanh tịnh một vì sao lẻ bóng
Ta còn gì ngoài ta lặng thinh
                        (Lặng)
Câu hỏi “ta còn gì “ là câu hỏi của “hố thẳm “: “Bổn phận của mi là lên đường đi đến hố thẳm, một cách im lặng, không hy vọng, một cách rộng lượng“ (N. Kazantzaki ). Con người phải chịu lấy tất cả những phũ phàng, mất còn ở đời, như chịu đựng cơn khát nắng hạn, chịu đựng những kinh hòangrùng rùng địa chấn ,chịu đựngsự tàn phá của lũ tràn đê vỡ,  giông bão càn quét trụi không, chịu đựng  giá rét mùa Đông vắng bóng sự sống, chịu đựng những nỗi đau bất hạnh và sựcô độc như vì sao lẻ bóng.
Tư tưởng của bài thơ không lộ ra trong cái quay quắt những đau đáu mất - còn, mà hiển minh trong cái im lặng. “Ta còn gì ngoài ta lặng thinh “. Sự im lặng bộc lộ tất cả dũng lực vượt qua có - không. Cái còn tồn tại trong chính cái mất, vượt qua mất – còn  là Chân Như.
Bài thơ mang một khí vị Thiền đặc biệt ở thi pháp. Khí vị này đem đến những mỹ cảm trí tuệ cho người đọc. Cái tĩnh trong cái động, cái còn trong cái mất. Những tứ thơ được triển khai trong  kiểu tư duy nhị nguyên tương phản còn – mất , dẫn người đọc vào sự rối bời  vô minh của ngôn ngữ, cũng như sự rối bời của thực tại có – không. Khi còn có Ta, và khi cái Ta bị nhận chìm trong những khốc liệt địa chấn , giông bão, khô khát, mong chờ hạnh phúc, mong chờ hoa bướm, thì cái Ta ấy còn đau, còn cô độc, còn sợ hãi, còn vọng tưởng… Vì  làm gì có “cái ta“. Bản chất của “cái ta”  là “vô ngã “.
Chỉ  khi đạt tới cái  vô ngãkhông bóng,  không hình “, con người mới nhẹ nhàng qua sông  ( “ Đáo bỉ ngạn“ – Chữ của nhà Phật)
Nhẹ nhàng cánh nhạn qua sông
Nhạn không lưu bóng, sông không bóng hình
Thung dung tiếp cuộc đăng trình
 Mặc con sống vỗ một mình ra khơi “
                            (Ra khơi)
Đạp lên sóng vỗ mà ra khơi, thung dung như cánh nhạn ruổi rong đăng trình, Con Người ấy có sức mạnh của cả vũ trụ, cao hơn  cả vũ trụ.Tứ thơ mang khí vị câu thơ làm rung chuyển thái hư của Không Lộ Thiền Sư.
Trạch đắc long xà địa khả cư
Dã tình chung nhật lạc vô dư
Hữu thì trực thướng cô phong đĩnh
Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư
                      (Ngôn Hoài)
Qua sông (đáo bỉ ngạn) rồi, lại sống như chưa qua sông, con người hồn nhiên biết bao, cuộc đời tươi xanh biết bao,  một đọt lá trên cành cũng trổ sinh bao la sự sống.
Đâu ngờ một ngọn gió lay
Mà hoa rơi rụng mà mây tan tành
Đâu ngờ một đọt đầu cành
Rừng xưa lại thắm, mùa xanh lại về
                          (Đâu ngờ)
Và tất cả cùng tỏa sáng, cùng reo cười.
Trăng tự sáng giữa tầng không
Suối tự chảy giữa mênh mông đất trời
Kìa ai bất chợt tự cười
Trái tim tự hát lẽ đời tự nhiên
                         (Tự Nhiên)
Niềm hoan lạc vô biên
 Suối reo, biển lặng, sông đầy
Vầng trăng tròn trặn, mây bay yên bình
Cánh én liện, nụ hoa xinh
Tình người chân thật, hồn mình an nhiên
                        (Kho Báu)
Thơ Thiền của Trần Ngọc Tuấn dẫn ta vào  cõi sáng của tư tưởng và cõi an bình của  tâm tư và  niềm hỷ hoan của bước chân  người gánh củi thung dung vượt qua dốc  sương mù  cuộc đời. Phải có một trình độ “giác ngộ “ nào đó  của tâm thức, phải trải qua bao nhiêu tra vấn, bao nhiêu giông bão, nắng hạn, bao nhiêu mất còn, phải bao nhiêu kiếp hóa thân, Trần Ngọc Tuấn mới có thể viết được những câu thơ của “trái tim tự hát lẽ đời tự nhiên “ như thế.
Nhiều bài tứ tuyệt có phẩm chất cổ điển nhưng thật mới lạ (An Nhiên, Trắng,  Trên Núi Tuyết, Ngồi Câu, Trà Sớm...). Nó vừa dẫn ta về suối nguồn thơ cổ điển vừa làm ta ngạc nhiên về những phát hiện tư tưởng ngay trong đời thường. Bài Ngồi Câu là một cặp sánh đôi rất tuyệt với Giang Tuyết của Liễu Tông Nguyên ( 773-819). Hình ảnh bướm hoa trong  Vậy Thôi dẫn ta về vối Xuân Vãn của Trần Nhân Tông. “Giọt sương tan trên lá xanh “ trong Lên Đồi Tịnh Độ mới lạ hơn “giọt sương phô trên ngọn cỏ “ trong Thị Đệ Tử của  Vạn Hạnh Thiền sư. Hình ảnh “cuối vườn hoa khai “trong Vô Thường  phải chăng  là một với tứ thơ  “Đình tiền tạc dạ nhất chi mai “ trong Cáo Tật Thị Chúng của Mãn Giác Thiền Sư ( 1052-1096 ). Bài Rỗng Rang  âm vang lời Thiền: Chư Phật và chúng sinh đều có chung một tánh giác. Chư Phật hằng sống với tim rỗng rang thanh tịnh
Tứ tuyệt Lục bát của Trần Ngọc Tuấn vừa có cái giản dị chân tình của ca dao vừa có sự sang trọng trí tuệ của Tứ Tuyệt  cổ điển. Đó là sự làm mới Lục bát truyền thống, cũng là cách Việt hóa Tứ tuyệt của thơ Đường...  Suối Reo bay trong cái cao rộng của thơ cổ điển, sang trọng hồn nhiên bên cái đằm thắm lục bát thơ Thiền của Phạm Thiên Thư. Và Trần Ngọc Tuấn có cái tài hoa riêng của anh. Tôi tin rằng nhiều bài thơ trong tập Suối Reo có thể sống lâu dài với thời gian. Tuy vậy, khi anh viết thơ Thiền chỉ bằng khái niệm nhà Phật thiếu cái chiêm nghiệm máu thịt của bản thể, thì hồn thơ của anh không còn cái diễm tuyệt mênh mang quyến rũ như là phẩm chất thẩm mỹ vốn có trong thơ anh .Ta hiểu làm thơ tư tưởng khó biết bao, và thật đáng trân trọng những bài thơ đã hóa thân từ chính tâm thức Trần Ngọc Tuấn.
Phác thảo chân dung một thế hệ
Tôi vừa vẽ những nét phác thảo chân dung 10 nhà thơ trẻ đương đại, bạn đọc có thể hình dung được một thế thệ  thơ  không ? Tất nhiên với chỉ 10 khuôn mặt thơ thì chưa đủ cho một khái quát ở diện rộng, vì người làm thơ trẻ có đến hàng ngàn. Dù vậy, 10 khuôn mặt thơ tôi vứa giới thiệu ít nhiều đã hé lộ những điều mới mẻ mà thơ cuả thế hệ đi trước chưa hề có. Thơ trẻ không dễ đọc, bởi đó là thơ thiên về thể hiện tư tưởng. Thơ trẻ không còn là tiếng nói tâm trạng như thơ Lãng Mạn cũng không là thơ kể người, kể việc, thơ gọi nhau ơi ới trong lao động và chiến đấu như thơ Hiện thực XHCN (1945 - 1975). Thơ trẻ đã từ bỏ chủ nghĩa Hiện Thực XHCN. Nhà thơ tiếp cận với thủ pháp và tinh thần Hậu Hiện Đại, pha trộn với  Nghệ Thuật Sắp Đặt, Nghệ Thuật Trình Diễn. Tiếp cận với tư tưởng Hiện Sinh phương Tây và tư tưởng Thiền phương Đông. Có cả sự thử nghiệm thi pháp Hiện Thực Thần Kỳ. Họ dùng nhiều ẩn dụ, nhiều liên tưởng, nhiều hoang tưởng, ngẫu nhiên. Có những so sánh ẩn dụ đi quá xa, làm cho người đọc mệt nhoài chạy theo nhà thơ,  mà thơ cứ tuột khỏi tầm với. Các nhà thơ trẻ đã có ý thức sáng tạo mới, có những quan điểm thẩm mỹ mới và có cách thể hiện mới. Họ giàu có về ngôn ngữ, có bề rộng  trải nghiệm hiện sinh, sức sáng tạo thật đáng nể . Trong những nhà thơ trên, tôi thấy có những khuôn mặt thật đặc sắc (Lê Vĩnh Tài, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Thuý Hằng, Trần Ngọc Tuấn). Trong sâu thẳm cuả hồn thơ, nhà thơ trẻ tha thiết với tình yêu, tình người, tình đời, với cuộc sống nhân sinh. Họ khao khát cái đẹp và tin tưởng cái đẹp sẽ bừng sáng trong đêm hiện sinh đen thẳm và đặc quánh. Họ còn đang chìm đắm trong hiện sinh, nhưng rồi họ sẽ tỏa sáng sự chứng ngộ như Trần Ngọc Tuấn. Tôi nghĩ họ đã làm nên một diện mạo thi ca mới cho thơ Việt nam đương đại. Con đường cuả họ còn đang mở ra trước mặt. Đọc thơ họ, nếu đọc từng bài riêng lẻ, thì thật khó tiếp cận, bởi đó chỉ là những mảnh vỡ nhận thức – tư tưởng - thẩm mỹ của họ. Cần đặt thơ họ trong hệ thống thi pháp và kiểu tư duy nghệ thuật, và nhìn bài thơ theo ý thức sáng tạo của từng tác giả, người đọc mới mong đi vào thế giới tâm hồn của họ. Nếu hiểu được họ thì thật thú vị, bởi họ chủ trương một lối viết không dễ hiểu, một cách thể hiện dành cho đối tượng người đọc có  chọn lọc.
                                                                                                                    Bùi Công Thuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét